Giữ nước
Sưng tấy xảy ra khi dịch cơ thể tích tụ trong các mô hoặc khớp. Việc ngón tay bị sưng tấy sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi đeo và tháo nhẫn.
Tập thể dục và nhiệt
Tim, phổi và cơ bắp của bạn cần oxy để cung cấp năng lượng cho quá trình tập luyện. Vì vậy, máu chảy đến những nơi đó nhiều hơn và ít chảy đến tay hơn. Các mạch máu nhỏ phản ứng với sự thay đổi này và giãn nở, khiến ngón tay bị sưng tấy. Điều tương tự cũng xảy ra khi cơ thể bạn nóng lên trong thời tiết nóng bức. Để hạ nhiệt, các mạch máu trên da của bạn sưng lên để nhiệt thoát ra khỏi bề mặt. Điều này là hoàn toàn bình thường.
Chấn thương
Việc ngón tay bị sưng tấy có thể xảy ra do các chấn thương như rách dây chằng, bong gân ngón tay, trật khớp hoặc thậm chí bị gãy xương. Nếu vết thương không quá nặng, chườm đá, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn là đủ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn không thể duỗi thẳng ngón tay, bị sốt hoặc đau nhiều.
Nhiễm trùng
Ba nguyên nhân có thể gây sưng ngón tay là:
– Herpetic whitlow: Nhiễm herpes gây ra các mụn nước nhỏ, sưng tấy và có máu trên ngón tay.
– Paronychia: Nhiễm trùng ở chân móng do vi khuẩn hoặc nấm gây ra
– Felon: Nhiễm trùng mủ ở đầu ngón tay
Nhiễm trùng ngón tay có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể nếu không được điều trị sớm.
Viêm khớp
Rheumatoid arthritis (RA) là một loại bệnh viêm khớp mãn tính, ảnh hưởng đến niêm mạc khớp và gây sưng, đau và cứng khớp. Tương tự, “viêm khớp vẩy nến” cũng thường gây sưng tấy ngón tay và ngón chân.
Cả hai loại viêm khớp đều nghiêm trọng và có thể gây tổn thương khớp cũng như các vấn đề khác về cơ thể nếu không được điều trị.
Bệnh gout
Trước đây, bệnh gout thường được xem là “căn bệnh nhà giàu”, chủ yếu liên quan đến việc ăn nhiều thịt, hải sản và rượu. Tuy nhiên, ngày nay bệnh gout có thể xảy ra đối với nhiều người (không phụ thuộc thu nhập), gây ra cảm giác đau và sưng tấy, thường là ở ngón chân cái. Bệnh này xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu, hình thành các tinh thể trong khớp.
Thuốc
Một số thủ phạm phổ biến có thể gây sưng tấy ngón tay, bao gồm:
– Thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen và naproxen
– Steroid
– Một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao
– Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin và pregabalin
– Liệu pháp nội tiết tố với estrogen hoặc testosterone
Ngón tay bị sưng tấy do dùng thuốc thường không phải là tình trạng nghiêm trọng, tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn lo lắng.
Bệnh thận
Thận đóng vai trò loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy thận đang không ổn là sưng tấy ở ngón tay, bàn chân và quanh mắt.
Thai kỳ
Bạn có thể bị sưng ngón tay, mắt cá chân và bàn chân khi mang thai. Nhưng sưng tấy đột ngột, đặc biệt là ở tay và mặt, có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Đó là tình trạng huyết áp cao nguy hiểm có thể xảy ra vào nửa sau của thai kỳ. Vấn đề ảnh hưởng đến thận, gây sưng tấy.
Phù bạch huyết
Tình trạng sưng tấy này xảy ra khi chất lỏng trong hệ thống bạch huyết không thể thoát ra tốt. Đôi khi nó là tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.
Phụ nữ bị ung thư vú thường được cắt bỏ hạch bạch huyết ở nách để kiểm tra ung thư. Điều này làm đảo lộn dòng chảy của bạch huyết và có thể dẫn đến sưng tấy ở cánh tay và bàn tay. Phù bạch huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau khi điều trị, nó không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát.
Xơ cứng bì
Đây là một căn bệnh của hệ thống miễn dịch, đánh lừa cơ thể tạo ra quá nhiều protein gọi là collagen. Điều này làm dày và cứng da, đồng thời khiến ngón tay phồng lên như “xúc xích”. Một số người có triệu chứng nhẹ có thể không sao, tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng, một số cơ quan có thể bị tổn thương. Xơ cứng bì có thể điều trị được.