Trẻ càng lớn, sự tò mò của trẻ càng cao. Chúng sẽ không còn sợ hãi, thay vào đó chúng trở nên năng động hơn, độc lập hơn và thích khám phá thế giới xung quanh. Nhưng điều này cũng mang đến nhiều mối lo ngại cho các bậc phụ huynh.
Các chuyên gia của Child’s Play ELC cho rằng, đây là lúc cha mẹ cần dạy trẻ về sự an toàn, đồng thời cho phép chúng chấp nhận những rủi ro an toàn. Các chuyên gia nhấn mạnh việc cung cấp một môi trường an toàn, nuôi dưỡng và dạy trẻ về an toàn là rất quan trọng.
Mối quan hệ giữa rủi ro, nguy hiểm và trẻ nhỏ
Khi trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển nhận thức về rủi ro, sự giám sát của người lớn là điều quan trọng vì tự bản thâ không nhận thức được tình huống đó có thể nguy hiểm hoặc không an toàn đến mức nào.
Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro không phải là điều xấu. Trên thực tế, việc đối mặt với rủi ro được các chuyên gia chăm sóc trẻ em như Kathy Walker (Hoa Kỳ) coi là một phần thiết yếu trong quá trình trưởng thành.
Bằng cách chấp nhận rủi ro, nhận thức về rủi ro của con sẽ được rèn luyện và phát triển nhằm xác định các hành vi rủi ro và không an toàn.
Lợi ích khi dạy trẻ chấp nhận rủi ro
Cha mẹ Do Thái luôn dành câu nói quen thuộc cho các con là: “Hãy tiến về phía trước”. Họ muốn đứa trẻ tự làm mọi việc một mình, luôn phát triển bản thân thay vì đứng yên một chỗ. Họ cho phép con mạo hiểm bước ra vùng an toàn, khám phá thế giới rộng lớn và tự xoay sở trước những khó khăn, thách thức.
Điều này giúp đứa trẻ học được cách tự tin, tinh thần quyết chiến quyến thắng, tinh thần không sợ gian khổ.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng khi trẻ chấp nhận rủi ro, chúng học cách kiểm tra ranh giới của mình, hiểu khả năng thể chất của mình và phát triển khả năng tự lập phần nào.
Trải nghiệm hoặc chấp nhận rủi ro an toàn cũng giúp con tìm hiểu thêm về bản thân và phát triển các chiến lược đối phó về mặt cảm xúc cho tương lai.
Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro không có nghĩa là họ mặc kệ con, để con loay hoay giải quyết vấn đề. Cha mẹ vẫn luôn cần theo sát bước đi và lưu tâm đến từng hoạt động nhỏ nhất của con, đưa ra lời khen ngợi, khuyến khích kịp thời giúp trẻ kiên trì theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Xét cho cùng, rủi ro không phải là điều quá đáng sợ. Có rủi ro, có thất bại, vấp ngã mới giúp mỗi đứa trẻ nhận ra bài học đắt giá và dễ dàng vươn tới thành công.
Mỗi đứa trẻ tiếp cận những cơ hội mới một cách khác nhau, vì vậy điều cần thiết là phải hướng dẫn và cung cấp cho chúng những cách phù hợp với lứa tuổi để tiếp cận những trải nghiệm này khi chúng bắt đầu chấp nhận rủi ro.
Phương pháp này tốt hơn là để trẻ học ngẫu nhiên hoặc bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu không tích cực.
Giảm thiểu rủi ro tại nhà
Nhà là một trong những không gian mà trẻ sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi chấp nhận rủi ro, vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị nhà cửa để giảm thiểu thương tích và té ngã.
Tại Anh, Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia ước tính có tới 60% thương tích ở trẻ 0-4 tuổi xảy ra trong nhà và có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số cách, phụ huynh có thể giảm thiểu rủi ro nguy hiểm ở nhà:
Tạo không gian vui chơi sôi động: Hãy giao cho trẻ một số việc để làm, điều này giúp trẻ không đi tìm sự kích thích cho riêng mình.
Giám sát trẻ: Đây là biện pháp phòng ngừa quan trọng để ngăn chặn tác hại. Nếu cuộc sống của bạn hơi bận rộn hoặc bạn đang phải chăm sóc nhiều hơn một đứa trẻ dưới 5 tuổi, hãy tìm cách đơn giản hóa các hoạt động hàng ngày như chuẩn bị bữa tối khi chúng ở nhà trẻ.
Thực hiện những thay đổi cho ngôi nhà : Ngôi nhà chúng ta đang ở thường được thiết kế dành cho người lớn nhưng chúng ta có thể làm cho không gian này trở nên an toàn với trẻ em bằng cách lắp cổng và nắp tay nắm cửa để ngăn con đi vào những khu vực nguy hiểm tiềm tàng, sử dụng nút chặn cửa bằng xốp, nắp ổ điện và miếng bảo vệ ngón tay để tránh ngón tay bị kẹt, sử dụng thảm chống trượt ở những khu vực ẩm ướt nơi con dễ bị ngã. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên để trẻ tránh xa pin, cúc áo,… vì chúng dễ nuốt và có thể gây thương tích đe dọa tính mạng nếu sử dụng.
Nói chuyện với con về những rủi ro: Khi con phát triển nhận thức về rủi ro, điều quan trọng là cha mẹ phải nói chuyện với con về lợi ích và hậu quả của rủi ro mà con gặp phải.