Trước đó, bệnh nhân bị chậm kinh, đau bụng vùng hạ vị và ra máu âm đạo nên đến bệnh viện khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy định lượng BetaHCG>1.500 UI, siêu âm cạnh tử cung bên trái có khối chửa 3×4 cm, buồng trứng phải có khối u 30×32 mm.
Bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Đáng chú ý, khối u buồng trứng được cắt ra chứa đầy lông bên trong.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hà Thị Hải Hường, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, đây được gọi là u quái hay u bì buồng trứng, có nguồn gốc từ các tế bào mầm biệt hóa thành. Bên trong chúng có thể chứa các loại bã nhờn, xương, tóc, móng…
“Đa số u buồng trứng là lành tính nhưng nếu để lâu bệnh sẽ nguy hiểm và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở phụ nữ. Các khối u bì càng lớn sẽ tạo ra sức nặng đè lên buồng trứng và khiến chúng bị xoắn lại, gây cản trở dòng máu tới nuôi dưỡng buồng trứng, lâu ngày sẽ khiến các mô bị hoại tử, viêm nhiễm và ảnh hưởng tới nội tiết tố và khả năng sinh đẻ”, bác sĩ Hường nói.
Ngoài ra, khi các khối u bì bị vỡ, chúng sẽ ảnh hưởng tới các nang trứng khác, khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội, nhiễm trùng… Nguy hiểm hơn là sảy thai, vô sinh hoặc đẻ non.
Bác sĩ Hường cho hay các khối u buồng trứng không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ phát hiện được bằng phương tiện thăm dò như siêu âm, chụp chiếu.
Để phát hiện sớm và điều trị kịp thời u buồng trứng và các bệnh phụ khoa khác, phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, hoặc ít nhất một lần/năm.