Home Làm Cha Mẹ Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay...

Bắt con xin lỗi ngay khi làm sai, cha mẹ không hay biết đang tạo thói quen nguy hiểm cho trẻ


Việc bắt con xin lỗi ngay khi phạm sai lầm đã trở thành phản xạ của nhiều thế hệ phụ huynh. Tuy nhiên, cả Big Little Feelings, trung tâm nuôi dạy con nổi tiếng ở Mỹ có hơn 3 triệu khách hàng cha mẹ và tiến sĩ Becky, tác giả sách Good inside, đều đã “lên án” hành vi này.

Con không hiểu lỗi lầm của mình

Các chuyên gia cho rằng việc ép con xin lỗi là vô ích vì sẽ tạo ra một lời xin lỗi trống rỗng, chúng sẽ không hiểu được hành vi và tình huống mình đã làm sai ở đâu.

Điều này sẽ gây hậu quả khi trẻ trưởng thành. Khi con lớn lên, cha mẹ không còn ở đó để gây áp lực buộc chúng phải xin lỗi nữa. Lúc đó, con không biết khi nào nên nói lời xin lỗi với ai đó vì chúng bối rối.

Ngoài ra, trẻ nhỏ thiếu khả năng nhận thức để đồng cảm với người chúng làm tổn thương và việc bảo xin lỗi sẽ không giúp chúng phát triển sự đồng cảm.

Ảnh minh họa

Ép con xin lỗi là dạy con nói dối

Theo nhà tâm lý học phát triển, Joan Durrant, tác giả sách “Kỷ luật tích cực trong nuôi dạy con hàng ngày”, nếu con không thấy hối lỗi thời điểm đó mà ép chúng, cha mẹ đang gián tiếp dạy con nói dối hoặc xin lỗi như một hình thức để thoát khỏi sự trừng phạt.

“Về lâu dài, ép một đứa trẻ nói xin lỗi có thể khiến chúng phản kháng nhiều hơn vì chúng biết xin lỗi là điều chỉ làm khi ai đó có quyền lực buộc chúng phải làm vậy”, chuyên gia phân tích.

Tổn thương đến cảm xúc của trẻ

Nói lời xin lỗi tưởng đơn giản nhưng lại là một vấn đề phức tạp về mặt xã hội và cảm xúc. Điều khiến trẻ không muốn xin lỗi không phải vì không hối hận mà là sự hiện diện của những cảm xúc mạnh mẽ khác như sự thất vọng kéo dài về bất cứ điều gì đã thúc đẩy hành động của chúng, sự xấu hổ vì đã công khai làm sai, nỗi sợ hãi quá mức về điều gì sẽ xảy ra nếu xin lỗi.

Thực tế, điều này đúng cả với người lớn. Một nghiên cứu của Karina Schumann, phó giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Pittsburgh cho thấy ngay cả người lớn cũng sẽ cảm thấy nhục nhã và căng thẳng hơn thực tế khi đối diện với lời xin lỗi.

Do đó, nếu không tỉ mỉ dạy trẻ biết nhận lỗi mà chỉ bắt trẻ xin lỗi sẽ khiến trẻ làm mọi việc qua loa, kém tử tế và chu đáo; khiến trẻ không sống thật với cảm xúc; hoặc khiến chúng xấu hổ đến mức không bao giờ xin lỗi nữa.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?

Trong trường hợp con mắc lỗi ở nơi đông người, không nên vội ép con phải nói lời xin lỗi trước mặt nhiều người, đặc biệt nếu không chắc chắn con làm sai.

Jamie Perillo, chuyên gia tâm lý trẻ em cho hay, nói xin lỗi có thể gợi cảm giác xấu hổ và điều đó không hữu ích. Vì vậy, hãy kéo con và người cần được xin lỗi sang một bên để tương tác.

Trong cuộc đối thoại, cha mẹ có thể tìm hiểu nguyên nhân con gây lỗi, giải thích về tính đúng sai của hành động cho con hiểu, sau đó mới dạy trẻ biết nhận lỗi. Cách dễ nhất để con hiểu lỗi lầm của mình là đặt con vào vai “nạn nhân” để cảm nhận tổn thương của mình khi bị đối xử như vậy.

Với những đứa lớn hơn, cha mẹ yêu cầu chúng tự xác định tác hại nếu hậu quả đó đến với chính mình. Theo PGS. Karina Schumann, mục tiêu quan trọng nhất là giúp con mình nhận ra hành động của nó gây ra hậu quả cho người khác.

Chiến thuật dạy trẻ biết nhận lỗi này sẽ hiệu quả hơn nếu chính cha mẹ thường xuyên chứng minh một lời xin lỗi tốt sẽ như thế nào. Theo Cara Goodwin, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép và là người sáng lập Parenting Translator, một chuyên trang đăng tải các nghiên cứu khoa học về cách nuôi dạy con cái từ thời thơ ấu, việc làm gương xin lỗi và giúp trẻ suy ngẫm về hành động của mình là điều cần thiết, nhưng nên làm ở một không gian hợp lý. Và trẻ sẽ học tốt hơn nếu nhìn cách hành xử của người lớn.

“Nếu trẻ em quan sát thấy những người khác sẵn sàng xin lỗi và thông cảm vì hành vi sai trái của mình, chúng sẽ học được bài học kịp thời”, chuyên gia nhấn mạnh.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Exit mobile version