“Ngoài việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, quá trình ăn uống cũng rất quan trọng với sức khỏe con người. Nếu ăn quá nhanh, ăn chỉ một món quá nhiều, thường xuyên ăn quá no hoặc tăng lượng ăn đột ngột… cũng thể khiến hệ tiêu hóa quá tải, thậm chí xảy ra các rối loạn cấp tính nguy hiểm tính mạng”. Đó là những gì bác sĩ Chen Rongjian, Giám đốc điều hành Trung tâm Phẫu thuật Xâm lấn Tối thiểu thuộc Bệnh viện Đa khoa Min Sing (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo.
Ông chia sẻ thêm rằng, các vấn đề này thường phổ biến hơn vào khoảng thời gian cuối năm cũ cho tới đầu năm mới. Vì thường diễn ra nhiều cuộc liên hoan, tiệc tùng, tâm lý ăn uống thoải mái hơn của hầu hết mọi người trong dịp nghỉ lễ, mừng năm mới. Gần đây nhất, ông đã tiếp nhận và điều trị cho một nam bệnh nhân ngoài 30 tuổi bị tắc ruột cấp tính, đau dạ dày do ăn nhiều một cách đột ngột và ăn quá nhiều một món hải sản trong một bữa.
Bụng người đàn ông sưng to, bị tắc ruột cấp tính nguy hiểm vì ăn quá nhiều một cách đột ngột (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, anh này tham gia tiệc buffet cuối năm cùng công ty vào buổi tối. Do năm vừa qua kinh tế khó khăn nên anh rất ít khi ăn ngoài, cho rằng đây là dịp để được ăn thỏa thích những món ngon, đắt tiền nên anh liên tục lấy thức ăn và ăn ngấu nghiến trong gần hai giờ đồng hồ. Đặc biệt, anh rất thích hải sản, lại thấy món tôm của bữa tiệc rất to, tươi và thơm ngon nên “đánh chén” một mạch hết hơn 50 con.
Một số đồng nghiệp thấy vậy cũng khuyên anh nên ăn vừa phải vì không tốt cho dạ dày, nhưng anh bỏ ngoài tai. Đến khi anh cảm thấy no quá giới hạn, không thể ăn thêm bất cứ thứ gì thì bụng anh đã phình to đến mức ngồi cũng thấy khó chịu. Sau đó, anh trở về nhà nghỉ ngơi, khoảng hơn một giờ đồng hồ sau thì cảm thấy bụng rất đau, cả người mệt mỏi.
Lúc đầu, vì xấu hổ nên anh cố gắng chịu đựng, uống thuốc tiêu hóa với hy vọng tình trạng sẽ được cải thiện. Nhưng không, càng ngày cơn đau của anh càng trở nên dữ dội, bụng sưng phồng và căng tức, sờ vào rất cứng. Không còn cách nào khác, anh đành nhờ bạn ở trọ cùng gọi xe đưa tới bệnh viện.
Bác sĩ Chen Rongjian kể lại, khi thấy bệnh nhân nằm trong phòng cấp cứu ông cũng phải giật mình vì kích thước bụng của anh ta to gấp gần 5 lần người bình thường, trong khi vóc dáng khá gầy guộc. “Anh ta được chẩn đoán tắc ruột cấp tính, nhất là ruột non bị sưng nhiều, phải đặt ống thông mũi dạ dày 3 ngày, nhập viện điều trị 5 ngày và tiếp tục theo dõi ngoại trú thêm ít nhất 1 tháng” – ông nói.
Bác sĩ cảnh báo những thói quen ăn uống dễ gây tắc ruột
Bác sĩ Chen Rongjian giải thích, tắc ruột là tình trạng cơ thể người bệnh bị ngừng lưu thông hơi và dịch tiêu hoá trong lòng ruột. Có 2 kiểu tắc ruột phổ biến là: tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng.
“Trường hợp người bệnh tắc ruột do các cản trở cơ học nằm từ góc Treitz (đoạn đầu của ruột non) đến hậu môn thì được gọi là tắc ruột cơ học. Nếu tắc ruột là do ngừng nhu động của ruột thì được gọi là tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do liệt ruột. Hoặc nếu phân loại theo theo tiến triển của bệnh thì có có thể chia ra thành: tắc ruột cấp tính và tắc ruột bán cấp, hoặc tắc ruột hoàn toàn và tắc ruột không hoàn toàn” – ông nói thêm.
Về triệu chứng, khi bị tắc ruột, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn toàn thân hoặc tại chỗ tùy vào mức độ cấp tính, thay đổi phụ thuộc vào cơ chế tắc (tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng), vị trí tắc ở ruột non hay đại tràng. Do vậy, mọi chẩn đoán tắc ruột có thể sẽ gặp phải khó khăn dù cho đó là phương tiện chẩn đoán hiện đại.
Bác sĩ Chen Rongjian cũng cảnh báo: “Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc ruột và thường liên quan tới ăn uống. Ví dụ như trường hợp người đàn ông vừa kể trên là do ăn quá nhiều một cách đột ngột gây tắc ruột cấp tính. Bệnh này rất nguy hiểm, một khi chỉ số viêm hoặc chỉ số nhiễm trùng huyết tăng cao cũng có nghĩa là ruột sắp vỡ, cần phải phẫu thuật cấp cứu mới có thể giữ được tính mạng”.
Nguyên nhân chính gây tắc ruột ở người đàn ông này là ăn hơn 50 con tôm lớn trong một thời gian ngắn (Ảnh minh họa) |
Ngoài ăn quá nhiều đột ngột, ông còn cảnh báo một số thói xấu khi ăn uống dễ gây tắc ruột như:
– Ăn quá nhanh.
– Nhai, nuốt không kỹ.
– Uống quá ít nước hoặc thiếu rau xanh, trái cây trầm trọng.
– Ăn nhiều đồ thô cứng, có khả năng kết dính hay tạo sỏi.
– Nuốt chửng gân, sụn… hay nuốt phải hạt trái cây.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu tanin (hồng, ổi xanh…) hay nhiều bã xơ (măng, mít…).
Ngoài ra, những người dễ bị tắc ruột nhất như: người cao tuổi, răng kém, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày, trẻ em nên đặc biệt chú ý khi ăn uống hàng ngày.
Nguồn và ảnh: ETtoday, QQ, Asia One