Bác sĩ Dương Văn Tâm chia sẻ trên Báo Người Đưa Tin cho biết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là bệnh phong hàn, nguyên nhân chính (80%) là do nhiễm lạnh. Đặc biệt, bệnh không phân biệt tuổi tác, giới tính mà ai cũng có nguy cơ mắc, kể cả người lớn khỏe mạnh, hay những cháu nhỏ mới vài tháng tuổi.
“Trong mùa hè, nguyên nhân bị phong hàn chủ yếu là do nhiễm lạnh khi dùng điều hòa hoặc quạt gió. Theo đó, khi đang đi ngoài nắng về vào phòng điều hòa đột ngột cũng có thể mắc bệnh. Hay trẻ nằm điều hòa lâu, thốc trực tiếp gió lạnh vào cơ thể cũng dễ bị phong hàn. Trường hợp khác là gội đầu xong, ngồi trước quạt cho khô tóc cũng có thể bị liệt mặt, méo mồm.
Trường hợp để muộn, trẻ có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Nguy hiểm nhất là người bệnh có thể bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc. Người bệnh cũng có thể bị liệt cứng vĩnh viễn”, bác sĩ Tâm chia sẻ trên Báo Người Đưa Tin.
Ngoài việc bị phong hàn, việc sử dụng điều hòa không hợp lý còn dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến mắt, nhất là bệnh khô mắt. Thống kê tại một bệnh viện ở TP HCM cho thấy, trong một tháng vừa qua, có hơn 1.000 trường hợp đến khám vì khô mắt, trong đó có cả trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng máy lạnh kéo dài, nhiều trường hợp còn bị khô mắt tái lại nhiều lần.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3 chia sẻ trên VnExpress cho biết thêm yếu tố, cảm, đau và cứng cổ gáy, đau đầu, trúng gió khiến mắt và miệng méo, nặng hơn là đột quỵ.
Lời khuyên của bác sĩ
Theo bác sĩ chia sẻ trên VnExpress, khi sử dụng máy điều hòa cần lưu ý duy trì nhiệt độ phòng ở mức 26 – 28 độ C, đồng thời tránh khí lạnh thổi trực tiếp vào người.
Nếu cài đặt nhiệt độ phòng thấp hơn 26-28 độ C, không khí trong phòng sẽ khô. Một số cách để tăng độ ẩm trong phòng, như treo một chiếc khăn ẩm hoặc một bát nước, sử dụng thêm máy tạo độ ẩm hoặc chọn điều hòa có chức năng làm lạnh kết hợp giúp duy trì độ ẩm trong phòng ở mức tối ưu cho hô hấp.
Khi mới đi từ ngoài môi trường nắng nóng vào phòng, nên để cơ thể có thời gian thích nghi khoảng 5 phút rồi mới bật điều hòa, và nên tắt điều hòa khoảng 20-30 phút trước khi đi ra ngoài. Vì nếu thay đổi môi trường đột ngột, với sự chênh lệch nhiệt độ lớn có thể gây sốc nhiệt.
Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai đều không nên ngồi trong phòng điều hòa kín quá lâu. Chỉ nên sử dụng điều hòa khoảng 2-3 tiếng, dừng khoảng 30 phút rồi bật lại. Tốt nhất nên để phòng thông thoáng bằng việc mở cửa sổ để không khí lưu thông, tránh vi khuẩn sinh sôi trong phòng kín.
Theo bác sĩ, nên bật tính năng “sleep” – ngủ đêm cho điều hòa. Đây là chế độ được thiết lập đặc biệt nhằm cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ cơ thể. Thông thường, điều hòa sẽ tăng thêm 1-2 độ C trong vòng vài giờ so với nhiệt độ đã cài đặt trước, giúp người dùng không bị quá lạnh, lại tiết kiệm điện. Cùng với đó, người dùng sẽ ngủ ngon hơn vì không phải thức dậy giữa đêm để điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa cho phù hợp.
Ngoài ra, sử dụng máy điều hòa có chức năng lọc không khí giúp tránh các bệnh về đường hô hấp, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Vệ sinh máy định kỳ mỗi 6 tháng giúp tránh máy tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, cho không khí trong lành, hạn chế gây dị ứng, hắt hơi.
Nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh… đảm bảo cơ thể đủ chất điện giải, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cuối cùng, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn ‘vàng’ nhằm hạn chế tối đa di chứng của bệnh.