Đều là nhân viên văn phòng ở Hà Nội, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chị Thúy Quỳnh không quá cao. Sau khi chi hết mọi khoản ăn uống, nhà trọ, thuốc men… số tiền gia đình chị dành cho việc học hành cho hai con – một lớp 5, một lớp 7 gói gọn trong 5 triệu đồng.
Chị cho biết, dạo này kinh tế khó khăn. Lương hai vợ chồng cũng vì thế mà chẳng tăng xu nào. Việc thì nhiều lên, do công ty sa thải rất nhiều nhân sự. Vì vậy, nhiều lúc cũng muốn đi làm thêm để kiếm thêm “đồng ra, đồng vào” trang trải cuộc sống, nhưng chẳng có thời gian. Thêm vào đó, các mức chi tiêu cho cuộc sống không có giảm, mà lại càng tăng lên.
Hai con của chị Quỳnh. |
“Với 5 triệu một tháng lo cho hai đứa ăn học, nói thật, khi sống trên Hà Nội đây là một khoản chi khiêm tốn. Số tiền này, chỉ đủ lo cho các con học phí trường lớp, chứ còn mấy khoản học thêm thì mình còn đang bỏ ngỏ.
Mình chỉ cho đứa lớp 7 học thêm Toán, thêm Văn ở trường, còn đứa lớp 5 đang học tiểu học, thì thôi khỏi đi học thêm. Nhìn bạn bè hai đứa đi học thêm này nọ, giỏi giang mà nhiều khi em cũng thấy tủi thân thay cho tụi nhỏ nhà mình. Nhưng biết sao được, nếu vượt số tiền đã tính này, những khoản chi tiêu khác bị mất cân bằng, làm giảm chất lượng cuộc sống. Em còn tính đường lùi hay là gửi con về quê cho ông bà trông, để chi phí học tập rẻ hơn. Ngặt nỗi, ông bà hai bên sức khỏe yếu, nên cách này cũng bỏ ngỏ”, chị Quỳnh chia sẻ.
Người mẹ hai con cho biết, nhiều khi chị cảm thấy “bất lực trước dòng đời”, muốn lo cho con điều kiện học tập tốt nhất, để sau con có tương lai tốt hơn bố mẹ nó. Điều này luôn canh cánh trong lòng không nguôi, chị suy nghĩ ngược xuôi, cuối cùng cũng ra một giải pháp khá là tâm đắc và thấy rất hiệu quả.
Đó là hãy rèn cho con TỰ HỌC.
Nhờ sự đồng hành của mẹ, nên mặc dù không tốn quá nhiều tiền, các con của chị Quỳnh vẫn có thành tích học tập đáng nể. Các bé nhiều năm là học sinh giỏi, đứng đầu lớp. Với môn học “khó nhằn” như tiếng Anh, các bé cũng nghe nói rất ổn dù không học thêm.
4 yếu tố cần khi rèn con tự học
Thời gian đầu, việc rèn con rất khó. Con không nghe lời, hay mất kiên nhẫn, chểnh mảng học hành khiến chị nhiều khi phát khóc và suýt thì bỏ cuộc. May sao, sau đó chị Quỳnh lấy lại tinh thần, tìm đủ mọi sách nói về rèn con kỷ luật, đúc kết một số điều để áp dụng cho các con:
Tạo lập thói quen tự giác:
Dù không có nhiều thời gian với con, do phải tăng ca nhiều, nhưng hai vợ chồng chị Quỳnh cố gắng thay nhau kiên trì cùng con duy trì khung thời gian học tập đều đặn hàng ngày vào khung giờ 9h tối.
Tiếp theo, chị cùng các con bàn nhau lập thời gian biểu phù hợp, trao quyền tự chủ kế hoạch học tập. Nhờ vậy, hai con cảm thấy thích thú, được tôn trọng và có trách nhiệm hơn. Dần dần rèn giũa, hai đứa cũng chủ động ngồi luôn vào bàn chẳng cần ai nhắc nhở.
Đồng hành chứ không làm hộ:
Mặc dù có kiến thức, nhưng khi con gặp bài khó, nhờ giúp, chị Quỳnh lại giả vờ không biết, tránh truyền thụ kiến thức thụ động cho con. Thay vì giảng giải một chiều, chị luôn định hướng con tự tìm thông tin thông qua việc đọc kĩ lại kiến thức trong sách giáo khoa, hay qua thông tin trên mạng.
Chị rèn tính tự học cho con cực kỳ nghiêm túc, với mỗi bài tập, chị luôn yêu cầu trẻ giải theo nhiều cách khác nhau, trong khả năng con có thể. Bên cạnh đó, chị Quỳnh luôn khuyến khích con mạnh dạn hỏi thầy cô đối với những bài không hiểu.
Chủ động tư duy:
Chị Quỳnh luôn nhấn mạnh với con rằng: “Để học giỏi thì phải hiểu tận gốc rễ. Mà để hiểu tận gốc, rễ thì có nghĩa là con phải giải thích kiến thức đó một cách dễ hiểu nhất”. Để rèn cho con tư duy này, chị luôn gợi mở cho con đặt câu hỏi theo mô hình “5 Whys” để tìm kiếm gốc rễ vấn đề. Với mô hình này, trẻ sẽ cần xem xét kỹ một vấn đề bằng cách đặt câu hỏi tại sao liên tiếp 5 lần: “Tại sao?”, “Nguyên nhân gì gây ra vấn đề này?”.
Câu trả lời cho câu hỏi “tại sao” đầu tiên sẽ gợi ra câu hỏi “tại sao” thứ hai, rồi thứ ba và tiếp tục đến lần thứ năm. Việc không ngừng đặt câu hỏi sẽ giúp con hiểu rõ được bản chất vấn đề và ngăn các sai lầm tái diễn.
Tìm những tài liệu hay cho con tự ôn luyện:
Để con tự học được tốt thì không thể thiếu đó chính là một nguồn tài liệu hay và chuẩn. Chị Quỳnh lên mạng xem review tài liệu các môn học, xong thấy cái nào có vẻ phù hợp với con là tìm kiếm bản pdf ngay.
Một mẹo tiết kiệm của chị Quỳnh là: Thường những tài liệu tham khảo cho con học tập thì bán ngoài thị trường chẳng hề rẻ. Vì vậy, để tiết kiệm hơn, chị gợi ý mọi người tìm những phiên bản sách mềm trên google (ba mẹ cứ search trên thanh tìm kiếm theo cú pháp: “Tên tài liệu cần tìm + pdf”. Hầu hết sẽ có hết những phiên bản tài liệu online miễn phí trên đây, phần nhỏ hơn sẽ mất phí, nhưng cũng rẻ hơn rất nhiều so với mua tài liệu trực tiếp qua nhà sách. Tìm được tài liệu, ba mẹ chủ động in ra và photo để con học hiệu quả”.
Đó là 4 phương hướng chị Quỳnh rèn con tự học hiệu quả. Lúc đầu là gian truân, nhưng kết cục lại là quả ngọt.
“Quan điểm nuôi con của mình là để cho con tự tin nhất có thể, để phát huy tối đa năng lực bản thân. Nuôi con theo tiêu chí 3 tự “Tự tin – tự lập – tự cường. Đúng là có kỹ năng tự học con vứt đâu cũng sống được. Mình lại tiết kiệm thêm một khoản tiền lớn nữa để lo cho các việc khác của gia đình”, chị Quỳnh chia sẻ.