Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.
Quy định này hài hòa lợi ích của các bên, nhằm để lao động nữ được nghỉ thai sản sau khi sinh ít nhất 4 tháng nhằm bảo đảm có sức khỏe tốt khi quay trở lại làm việc; vừa tốt cho lao động nữ lẫn người sử dụng lao động; nếu nghỉ quá sớm trước khi sinh thì thời gian nghỉ sau khi sinh ít lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của lao động nữ và chất lượng công việc.
Trường hợp mang thai 6 tháng mà hết hợp đồng lao động, công ty không tái ký sẽ không bị ràng buộc bởi chế độ thai sản theo quy định.
Căn cứ khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Nếu người lao động nữ đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nêu trên thì sẽ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con (hiện nay 2 lần mức lương cơ sở là 4.680.000 đồng).
Tiền thai sản trong thời gian sinh con
* Đối với lao động nữ sinh con:
– Thời gian hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
– Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
– Ví dụ về trường hợp hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:
(VD1) Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = ((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Và số tiền hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con của chị C = 5.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.
(VD2) Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng BHXH với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng BHXH.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghĩ việc = ((7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2))/6 = 7.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.
Và số tiền mà chị D được hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con = 7.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 45.000.000 đồng.
* Đối với lao động nữ sau khi sinh con mà con chết:
– Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà con chết theo khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
+ Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con;
+ Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá trước và sau khi sinh con là 06 tháng;
Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
– Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.