Món sốt trứng được chế biến từ trứng tươi, không qua nấu chín nên nguy cơ nhiễm vi khuẩn Salmonella, gây hại cho người ăn.
Sốt trứng là thực phẩm quen thuộc ăn cùng bánh mỳ, bò né, cơm gà… Tuy nhiên, một chuyên gia của Viện Pasteur Nha Trang (không muốn nêu tên), nói món sốt trứng được chế biến từ trứng tươi, không qua nấu chín, vì vậy có nhiều nguy cơ nhiễm Salmonella. Trên thực tế, con người nhiễm Salmonella chủ yếu thông qua việc tiêu thụ thực phẩm ô nhiễm có nguồn gốc từ động vật như trứng, thịt gia cầm và sữa.
Vừa qua, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Khánh Hòa đã lấy 206 mẫu thực phẩm tại các cơ sở ăn uống trên thành phố Nha Trang để kiểm tra. Việc này nằm trong kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm sau khi có nhiều ca ngộ độc số lượng lớn tại địa phương cũng như nhiều tỉnh trên cả nước.
Cơ quan chức năng đã xét nghiệm 101 mẫu tại phòng kiểm nghiệm và phát hiện có 6 mẫu dương tính với khuẩn Salmonella. Trong đó, có 2 mẫu nhiễm khuẩn là sốt trứng.
Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc về lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản thực phẩm theo khuyến cáo của Bộ Y tế; sử dụng trứng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến; bảo quản sốt trứng sau chế biến dưới 5 độ C.
Vi khuẩn Salmonella sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi 100 độ C trong 2 phút, do đó người dân nên nấu kỹ lòng đỏ và lòng trắng trứng cho đến khi chúng rắn chắc lại.
Nếu trên vỏ trứng có vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn này có thể lây lan khắp nhà bếp và lên các thực phẩm khác do tay người chế biến. Để giảm thiểu vỏ và trứng bên trong tiếp xúc với nhau cần rửa và lau khô tay trước và sau khi tiếp xúc với trứng; sử dụng vật tách trứng đã sát trùng; không tồn trữ trứng sống ở dạng lỏng mà phải sử dụng trứng sống ngay sau khi đập vỏ trứng.
Salmonella là vi khuẩn Gram âm, thuộc họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae), phân bố rộng rãi ở động vật nuôi (gia cầm, gia súc và các loại vật nuôi khác như chó, mèo,…). Vi khuẩn này phát triển trong khoảng 15-45 độ C, tối ưu ở 37 độ C, và thường bị tiêu diệt ở 70 độ C trở lên.
So với Ecoli, ngộ độc do Salmonella gây triệu chứng nặng, nguy hiểm hơn. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện một ngày sau tiêu thụ món ăn bị nhiễm khuẩn, cũng có trường hợp sau 4-5 ngày.
Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu.
Người bệnh đau bụng co thắt, ớn lạnh, tiêu chảy, sốt, đau cơ, buồn nôn, nôn; dấu hiệu mất nước như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp, phân có máu. Một số trường hợp bị đau đầu, mất ngủ, phát ban. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Bùi Toàn