Home Tin mới Quy định mới cấm trẻ em ngồi ghế trước ô tô vì...

Quy định mới cấm trẻ em ngồi ghế trước ô tô vì sao? Cha mẹ chú ý an toàn và tránh bị phạt nặng


Từ ngày 1/1/2025 Luật trật an toàn giao thông đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực, một số điều khoản sẽ hiệu lực muộn hơn, trong đó có điều khoản cấm cho trẻ ngồi ghế trước ô tô.

Quy định cấm trẻ ngồi ghế trước ô tô

Khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ghi rõ: “Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em”.

Điều khoản này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.

Tại sao lại cấm trẻ ngồi ghế trước?

Nhiều người hay cho con ngồi ghế trước vì cho rằng để chống say xe. Nhưng thực chất ngồi ghế trước rất nguy hiểm với trẻ.  

Trong hội thảo: “Phổ biến những quy định mới về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 15/11, PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Đại học Y tế Công cộng) cho biết: “Tình trạng trẻ em ngồi ghế trước khá phổ biến, trong đó 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn. Đây là thực trạng rất đáng báo động”.

Thiết kế ghế trước không dành cho trẻ

Ngồi ghế trước rất nguy hiểm cho trẻ nếu có tai nạn là vì trẻ dễ văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn.

Hơn nữa ô tô có túi khí bảo vệ vị trí ngồi ghế trước nhưng túi khí thiết kế dành cho người lớn. Khi túi khí bung ra với tốc độ và lực cực mạnh (có thể lên đến gần 300km/h) để bảo vệ người lớn trong trường hợp va chạm, lực tác động mạnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ em và cả những người có thân hình nhỏ bé và yếu hơn. Ngoài ra, túi khí bung ra ở ghế trước có thể va vào đầu hoặc cổ của trẻ, gây ra những thương tích nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Ngoài ra thiết kế dây an toàn ở ghế trước không dành cho trẻ nhỏ, bởi kích thước trẻ em nhỏ hơn người lớn. Nếu cho trẻ ngồi ở ghế trước, trẻ em được thắt dây an toàn dành cho người lớn có thể bị đẩy quá gần bảng điều khiển nơi túi khí bung ra. Điều này làm tăng nguy cơ túi khí va trực tiếp vào trẻ.

Các chuyên gia nhận định ghế trước ô tô là vị trí nguy hiểm nếu có va chạm. So với các vị trí khác thì ghế trước thường được nhiều người cho là ngồi sẽ giúp không say xe nhưng không biết rằng nếu có va chạm thì vị trí này nguy hiểm nhất bởi sẽ tiếp xúc gần và trực tiếp với các chướng ngại vật hoặc nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn so với ghế phía sau xe. Trong thiết kế xe thì thống an toàn chính của ô tô, bao gồm túi khí và dây an toàn ở khu vực ghế trước được các nhà sản xuất bố trí nhằm bảo vệ người ngồi ở các vị trí này, nhưng thiết kế các hệ thống này chủ yếu dành cho người lớn. Trẻ em có kích thước nhỏ hơn không phù hợp hệ thống túi khí này, nếu không may bị tai nạn thì do không được bảo vệ tốt nhất, trẻ em có thể gặp nguy hiểm hơn người lớn so với cùng một vị trí ngồi.

Hơn nữa trẻ nhỏ chưa có kỹ năng xử lý trong tình huống nguy cấp  như người lớn. Và trẻ cũng hay nghịch ngợm tò mò nên khi ngồi ghế trước, trẻ có thể khiến lái xe mất tập trung gây nguy hiểm mất an toàn cho toàn bộ người trên xe. 

Đề xuất mức xử phạt khi cho trẻ ngồi ghế trước

Tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mức xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m trên ô tô (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) ngồi cùng hàng ghế với người lái xe hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định.

Bộ Công an cũng đề xuất sẽ xử phạt các hành vi như: Không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường, chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy, chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần…



Theo Phunutoday

Exit mobile version