Vừa qua, các bác sĩ khoa Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng.
Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt dài ngày, tổn thương đa cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương gan thận, ức chế tủy xương. Cả 2 trường hợp này đã được điều trị tích cực từ tuyến dưới nhưng chưa tìm ra được căn nguyên vi sinh gây bệnh.
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện vết loét do sốt mò điển hình. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh đặc hiệu (Doxycyclin) và điều trị hỗ trợ suy tạng. Sau điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, hết sốt, các tạng hồi phục dần và được xuất viện sau 2 tuần.
Căn bệnh khó chẩn đoán sớm
ThS.BS Nguyễn Xuân Lâm, khoa Hồi sức truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sốt mò là bệnh do tác nhân Rickettsia tsutsugamushi, truyền sang người khi bị ấu trùng mò đốt.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng là sốt, sưng đau hạch (thường thấy ở hạch khu vực quanh vết mò đốt), phát ban ngoài da.
Biến chứng thường gặp là viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa tạng dẫn đến không qua khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị và phục hồi tốt chẩn đoán đúng và kịp thời.
Theo bác sĩ Lâm, bệnh có thể đáp ứng điều trị rất tốt với một số nhóm kháng sinh nội bào cổ điển, thông thường như nhóm Cyclin (tetracyclin, doxycycline), Cloramphenicol, Microlid. Đây là kháng sinh có sẵn tại các quầy thuốc và giá thành rất rẻ. Tuy nhiên, các nhóm kháng sinh thế hệ mới, phổ rộng và lưu hành phổ biến trên thị trường hiện nay như Betalactam, Aminoglycoside, Quinolon… lại không có tác dụng điều trị.
Chính vì vậy, bệnh nhân nếu mắc sốt mò mà không được điều trị đúng thuốc đặc hiệu (không chẩn đoán hoặc không nghĩ tới mầm bệnh Rickettsia tsutsugamushi) mà sử dụng các thuốc kháng sinh phổ rộng thế hệ mới sẽ không hiệu quả. Bệnh sẽ tiến triển nặng dẫn đến tổn thương đa tạng, gây tốn kém trong điều trị và nguy cơ không qua khỏi cao.
“Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh sốt mò, chúng ta cần thăm khám kỹ, toàn diện để tìm vết loét do mò đốt. Bệnh nhân có thể được chỉ định các xét nghiệm như ELISA, PCR để xác định mầm bệnh. Điều trị thử với kháng sinh đặc hiệu cũng là một biện pháp chẩn đoán xác định”, bác sĩ Lâm nói.
Dấu hiệu gợi ý bệnh sốt mò
Theo bác sĩ khoa Hồi sức truyền nhiễm, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt mò khi có các dấu hiệu và yếu tố dưới đây:
- Dịch tễ sống hoặc có đi đến những vùng rừng, núi nhiều cây cối rậm rạp. Đây là những nơi có ấu trùng mò trú ẩn.
- Sốt thời gian dài, hay gặp từ 10 đến 14 ngày mà không có vị trí ổ nhiễm khuẩn rõ ràng.
- Có sưng hạch vùng ngoại vi, đặc biệt tại các vùng ẩm ướt như nách, bẹn. Kèm theo đó, gần vị trí nổi hạch có vết loét điển hình do mò đốt (là vết loét có hình tròn hoặc hình bầu dục, nhẵn, bề mặt lõm, đóng vảy đen, không đau, không ngứa). Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phát hiện được vết loét.
- Xét nghiệm công thức máu thấy số lượng tiểu cầu giảm.
- Xét nghiệm enzyme gan transaminase tăng.