Tôi là giáo viên đã về hưu được mấy tháng nay. Mức lương hưu hiện tại tôi nhận được là 9 triệu/tháng. Vừa nghỉ hưu, tôi đã đưa ra quy tắc 3 KHÔNG để bản thân được thoải mái và các con không phải ỷ lại vào mẹ quá nhiều.
Chưa về hưu đã đau đầu vì những trách nhiệm nặng nề mà các con giao phó
Vợ chồng tôi sống với con trai cả và con dâu cùng 2 đứa cháu nội. Nhà cửa do vợ chồng tôi xây cất. Tiền ăn uống, sinh hoạt, chi phí hiếu hỉ đều do tôi chi tiền lo liệu. Mỗi tháng, tôi còn đưa con dâu 3 triệu để mua sữa cho cháu. Nhưng chính vì sự lo lắng quá mức của vợ chồng tôi mà con trai, con dâu nảy sinh tâm lý dựa dẫm, ỷ lại. Tôi còn chưa về hưu, các con đã nói bóng gió chuyện nhờ bà nội đưa đón các cháu đi học và lo chuyện cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Con dâu làm công nhân, thường hay tăng ca, về trễ thì tôi không nói. Nhưng con trai làm nhân viên hành chính, đi đúng giờ, về đúng giờ thì tại sao cứ dựa dẫm vào bố mẹ. Có lần, con trai còn nói: “Mẹ nghỉ hưu rồi thì đưa đón, chăm sóc cháu. Sau này mẹ già, vợ chồng con sẽ chăm sóc mẹ lại”. Tôi bực bội vì cách suy nghĩ thiển cận, tính toán, thiếu tình nghĩa của con trai.
Trước khi nghỉ hưu, tôi đã đắn đo rất nhiều về quy tắc 3 KHÔNG: Không trông cháu; không đưa tiền cho các con; không dọn dẹp nấu ăn. Tôi cũng tâm sự với chồng và ông đồng tình với quy tắc ấy. Chúng tôi nghỉ hưu là để có thời gian nghỉ ngơi sau quãng thời gian dài đằng đẵng cống hiến, làm việc, lo lắng cho con cái chứ không phải để tự biến mình thành ‘giúp việc’ trong nhà.
Ảnh minh họa. (Nguồn AI) |
Bữa cơm bất ổn
Trước khi về hưu một tuần, tôi gọi vợ chồng con gái về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, tôi thẳng thắn nói về quy tắc 3 KHÔNG khi mình chính thức nghỉ hưu: Không trông cháu; không đưa tiền cho các con; không dọn dẹp, nấu ăn. Tôi nói thế này: “Ba mẹ nghỉ hưu là để thư giãn và tận hưởng cuộc sống. Gần hết đời người mải mê công việc, lo lắng con cái, giờ các con đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Với người làm cha làm mẹ, như vậy là đã hoàn thành trách nhiệm với đầy đủ tình yêu thương. Bây giờ về hưu, ba mẹ không có nghĩa vụ nấu nướng, dọn dẹp, đưa đón cháu nữa. Ba mẹ chỉ làm điều đó với sự tự nguyện chứ không phải bị ép buộc. Và đó là trách nhiệm của các con, các con phải thu xếp công việc riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ của bản thân trong gia đình. Còn tiền bạc, ba mẹ sẽ giữ để tiết kiệm lúc đau bệnh”.
Con gái tôi hoàn toàn đồng ý với quy tắc này. Con nói ba mẹ đã khổ cả đời người, giờ không cần phải sống khổ sở vì con cháu nữa. Nhưng con trai lại giãy nảy phản đối. Con nói nếu tôi không giúp đỡ chuyện nhà cửa, trông cháu thì sau này khi tôi đau bệnh, con cũng sẽ không chăm sóc. Con gái bất bình trước cách suy nghĩ của anh trai nên cự cãi to tiếng. Bữa cơm biến thành sự căng thẳng, đấu khẩu với nhau.
Hiện giờ, vợ chồng tôi vẫn thực hiện quy tắc 3 KHÔNG nhưng tôi cảm thấy con trai, con dâu không vui vẻ. Chúng thờ ơ, lạnh nhạt với ba mẹ; còn đòi nấu ăn riêng như một cách để phản đối chuyện tôi không giúp công việc nhà. Con trai còn ra ngoài rêu rao rằng tôi ích kỷ, sống chỉ biết đến bản thân mà không giúp đỡ con cái dù đang mạnh khỏe. Tôi thấy mình không làm sai nhưng lại phân vân, đắn đo trước cảnh lạnh nhạt giữa con cái với ba mẹ. Rồi anh em không nhìn mặt nhau, thường cãi nhau vì chuyện của ba mẹ. Liệu quy tắc tôi đưa ra có hợp lý không?