Home Tin mới Từ 2025 những đối tượng này bắt buộc phải dùng căn cước...

Từ 2025 những đối tượng này bắt buộc phải dùng căn cước không được cùng CCCD gắn chip, không cấp đổi sẽ bị phạt


Khi Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024 thì nhiều đối tượng vẫn còn CMND còn hạn, CCCD gắn chíp còn hạn nhưng sang 2025, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp của CMND và sẽ có một số thay đổi với người dân khi cần cấp giấy tờ tùy thân.

Theo đó từ 2025 những đối tượng sau sẽ bắt buộc phải có Căn cước:

– Những người dùng CMND chưa từng có căn cước công dân: 

Điều 46 Luật Căn cước  2023 quy định về việc chuyển tiếp từ Căn cước công dân sang Căn cước

“Điều 46. Quy định chuyển tiếp

1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.”

Người nào dùng CMND bắt buộc đổi sang Căn cước

Như vậy những người từ trước tới này mới dùng CMND chưa từng làm căn cước công dân thì bắt buộc phải cấp đổi căn cước trước ngày 1/1/2025 để đảm bảo có giấy tờ tùy thân hợp lệ và tuân thủ quy định cấp đổi cấp lại căn cước.

– Những người đến tuổi 14, 25, 40, 60 mà chưa từng làm căn cước, căn cước công dân trong vòng 2 năm gần đây:

Điều 19 Luật Căn cước 2023 cũng quy định về Người được cấp thẻ căn cước gồm:

– Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

–  Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

– Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Hơn nữa khoản 1 Điều 21 của Luật này quy định:

Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo)

Như vậy thì những trẻ em đủ 14 tuổi vào năm 2025 và lần đầu đi làm căn cước sẽ bắt buộc làm căn cước. Những người đủ 25, 40, 60 mà trong vòng 2 năm trước đó chưa từng làm căn cước hay căn cước công dân thì sẽ đến lúc phải cấp đổi nên cũng bắt buộc phải dùng sang Căn cước.

Người đến tuổi cấp đổi giấy tờ tùy thân sẽ đổi sang Căn cước

– Những người thuộc trường hợp cấp đổi cấp lại căn cước

Điều 24 Luật Căn cước quy định các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:

– Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này (Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo)

– Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

– Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

– Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

– Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

– Xác lập lại số định danh cá nhân;

– Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:

– Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này;

– Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Những trường hợp trên sẽ bắt buộc phải dùng thẻ căn cước không được quay lại căn cước công dân.

Không thực hiện đúng xử phạt

Việc không thực hiện đúng việc cấp đổi căn cước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144 quy định:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;

c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 144, Bộ Công an cũng đề xuất mức xử phạt với hành vi không thực hiện đúng cấp đổi cấp lại căn cước và không xuất trình được căn cước khi cơ quan chức năng yêu cầu tương tự như nghị định 144.



Theo Phunutoday

Exit mobile version