Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
HomeLàm Cha Mẹ20% trẻ mắc viêm màng não do não mô cầu được cứu...

20% trẻ mắc viêm màng não do não mô cầu được cứu sống vẫn đối diện đoạn chi, bại não


Vì sao viêm màng não do não mô cầu thường xảy ra ở trẻ nhỏ?

Theo niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế năm 2016, viêm màng não do não mô cầu là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất Việt Nam, với tỷ lệ 0,006/100.000 dân.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 1 tuổi do hệ miễn dịch non yếu, suy giảm kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Nghiên cứu tại châu Âu, tỷ lệ mắc viêm màng não não mô cầu xâm lấn ở trẻ nhũ nhi vào năm 2018 là 22,44 trường hợp/100.000 trẻ, cao hơn 12 lần so với tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm dân số chung là 1,82 trường hợp/100.000 dân.

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu dễ mắc viêm màng não do não mô cầu hơn. Ảnh: Getty Images

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu dễ mắc viêm màng não do não mô cầu hơn. Ảnh: Getty Images

 

Bệnh viêm màng não do não mô cầu diễn tiến rất nhanh, gây tử vong chỉ trong 24 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Bệnh có 2 thể bệnh phổ biến là viêm màng não (48%), nhiễm khuẩn huyết (43%) và viêm phổi ít gặp hơn (9%).

Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 50%. Mặt khác, nếu được can thiệp điều trị, vẫn có khoảng 10-15% tử vong. 20% người sống sót sau khi mắc viêm màng não do não mô cầu vẫn phải chịu ảnh hưởng bởi nhiều di chứng nặng nề như sẹo da do hoại tử, đoạn chi, điếc, chậm phát triển tinh thần.

Cô bé Charlotte Lucy Cleverley-Bisman (sinh năm 2003) bị cắt cụt tứ chi sau khi mắc viêm màng não do não mô cầu ở tháng thứ 7. Ảnh: NY Herald

Viêm màng não do não mô cầu khó chẩn đoán đúng ở giai đoạn sớm do có các triệu chứng ban đầu như sốt, khó chịu, bú kém, nôn và buồn ngủ… tương tự như nhiễm virus cúm thông thường. Các dấu hiệu như màu da bất thường, tứ chi lạnh, thóp phồng, cứng cổ của bệnh thường xuất hiện từ giờ thứ 5 đến 15 trở đi. Đôi khi, ban xuất huyết đặc trưng không xuất hiện.

Nghiên cứu từ 10 bệnh viện nhi tại Hoa Kỳ từ tháng 1/2001 đến tháng 3/2005, biến chứng điếc thường gặp nhất ở bệnh nhi mắc viêm màng não do não mô cầu. Tình trạng điếc phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dưới 2 tuổi (8 trong số 14 trẻ) so với trẻ lớn hơn. Trẻ bị điếc có nguy cơ bị rối loạn thăng bằng và chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ và các vấn đề hành vi lâu dài. Các di chứng như rối loạn cơ xương, suy giảm khả năng học tập và suy thận có thể xuất hiện nhiều năm hoặc thậm chí vài chục năm sau khi bị mắc bệnh.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) từng ghi nhận ca nhiễm khuẩn huyết do mắc não mô cầu khi chỉ 4,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Chỉ sau vài tiếng nhập viện, bé rơi vào sốc, các nốt tử ban lan rộng trên da, suy hô hấp, phải sử dụng nhiều loại kháng sinh liều cao. Mặc dù được điều trị tích cực, tứ chi của bé có nhiều chỗ gân cơ hoại tử sâu, buộc phải cắt bỏ.

Xuất huyết tử ban, dấu hiệu điển hình của viêm màng não do não mô cầu. Nguồn: Meningitis Now

Nhằm nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não do não mô cầu, năm 2023, Quỹ nghiên cứu về bệnh viêm màng não, Liên đoàn các tổ chức phòng chống bệnh viêm màng não (CoMO) và Sanofi đã lần đầu tiên ra mắt biểu tượng Lá cờ đẩy lùi bệnh viêm màng não. Sự kiện có sự đồng hành của ba vận động viên Ellie Challis (Anh), Théo Curin (Pháp) và Davide Morana (Ý), những người từng chịu di chứng phải đoạn chi do viêm màng não từ khi 16 tháng, 6 tuổi và 24 tuổi.

Ba vận động viên đồng hành nâng cao nhận thức về bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ảnh: SNF

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết não mô cầu có 12 nhóm huyết thanh, trong đó 5 nhóm huyết thanh thường gặp là A, B, C, W và Y, gây ra 90% số ca bệnh trên toàn thế giới.

Theo thống kê, có từ 10-20% người khỏe mạnh mang vi khuẩn không biểu hiện triệu chứng và lên đến hơn 50% khi có dịch xảy ra dẫn đến rất khó kiểm soát nguồn lây bệnh.

Trẻ nhỏ ở Việt Nam thường sống trong điều kiện đông đúc, tiếp xúc khói thuốc lá và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp là các điều kiện thuận lợi nhiễm mầm bệnh não mô cầu.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầu đời cho trẻ. Ảnh: Mộc Miên

Theo bác sĩ Chính, hiện Việt Nam đang lưu hành 3 loại vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu là loại ACYW-135 của Mỹ, loại B của Ý, loại BC của Cu Ba. Mỗi loại vắc xin có độ tuổi và lịch tiêm khác nhau. Trẻ em và người lớn cần tiêm đầy đủ vắc xin phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh để có miễn dịch đầy đủ.

Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, vắc xin cộng hợp tứ giá ACWY phòng viêm màng não do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh C, Y và W tại Mỹ.

Bên cạnh vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu, trẻ cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin khác để phòng nguy cơ bệnh chồng bệnh và phát triển thể chất cùng tinh thần khỏe mạnh toàn diện.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments