Lý lịch di tích thể hiện, thị trấn Minh Đức ngày nay vốn là làng Tràng Kênh xưa, thuộc tổng Dưỡng Động, huyện Thủy Đường (phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương).
Dòng sông Bạch Đằng là nơi từng diễn ra 3 trận thủy chiến do Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy đánh tan giặc ngoại xâm, nhấm chìm mộng xâm lăng của các thế lực phương Bắc.
1. Ngô Quyền – đánh tan quân Nam Hán năm 938
Theo các tài liệu lịch sử, năm 938, vua Nam Hán phong con trai là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy thủy quân vượt biên sang xâm lược nước ta.
Đại Việt Sử ký toàn thư có ghi chép kế sách của Đức Vương Ngô Quyền: “Bọn chúng có lợi ở thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc nhọn, đầu bịt sắt cắm ngầm trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát”.
Tại cửa sông Bạch Đằng, Đức Vương Ngô Quyền đã huy động hàng nghìn binh sỹ cùng nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược. Hơn ba nghìn cây gỗ được vót nhọn, bịt sắt rồi đóng xuống lòng sông trên một quãng dài 3 dặm.
Cuối năm 938, đoàn thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy rầm rộ vượt biển vào cửa ngõ Bạch Đằng. Đức Vương Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, nhử địch đuổi theo vượt qua bãi cọc lọt vào trận địa mai phục của ta.
Khi đoàn thuyền giặc vượt qua vùng cửa biển, nước triều rút mạnh, quân ta quay lại phản công quyết liệt. Trận địa cọc nhô lên chặn đứng đoàn thuyền giặc, nhiều chiếc bị cọc gỗ đâm thủng, va vào nhau rồi chìm xuống dòng sông. Hoằng Tháo cùng quá nửa binh sĩ bỏ mạng.
Sau chiến thắng lẫy lừng, năm 939, Đức Vương Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Ngô Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa (tức Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Đại thắng Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, chấm dứt nền thống trị hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
2. Vua Lê Đại Hành – đại thắng quân Tống, năm 981
Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và thế tử Đinh Liễn bị ám sát, con thứ Đinh Toàn mới 5 tuổi lên nối ngôi, triều đình nhà Đinh suy yếu. Nhân cơ hội này, nhà Tống ráo riết tập trung binh lực chuẩn bị xâm lược nước ta.
Đứng trước vận mệnh nguy nan của đất nước, triều đình đã suy tôn Lê Hoàn làm vua (tức Vua Lê Đại Hành), lập nhà Tiền Lê năm 980. Ông đặt niên hiệu là Thiên Phúc, quốc hiệu vẫn là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, ổn định tình hình nội bộ, rồi chia quân phòng giữ các nơi hiểm yếu.
Theo các nhà nghiên cứu, tháng 1/981, thủy quân của nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng. Vua Lê Đại Hành thân chinh làm tướng cầm quân, cho xây thành Bình Lỗ, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông dựa vào địa thế hiểm trở của sông Bạch Đằng.
Sau thất bại tại Bình Lỗ, quân Tống quay lại sông Bạch Đằng và lọt vào trận địa mai phục do Vua Lê Đại Hành bày sẵn.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, trung tâm trận chiến Bạch Đằng ngày 28/4/981 diễn ra tại vùng sông nước núi U Bò, Tràng Kênh. Quân ta từ các nhánh sông đổ về Bạch Đằng đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết, số ít quân địch tháo chạy ra biển.
3. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – nhấn chìm 6 vạn quân Mông-Nguyên
Trong trận chiến chống quân Mông – Nguyên trên Bạch Đằng năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đích thân đến vùng đất Tràng Kênh và các làng xã lân cận để bày trận chặn đánh quân địch.
Theo sử sách chép lại, tháng 3/1288, biết được ý đồ rút quân bằng đường thuỷ qua sông Bạch Đằng của địch, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị một trận địa mai phục lớn trên sông. Quân ta đốn gỗ lim, táu… trên rừng kéo về bờ sông và đẽo nhọn rồi cắm xuống lòng sông dẫn ra biển làm thành những bãi chông lớn.
Các cánh quân thuỷ bộ bí mật mai phục sau dãy núi đá Tràng Kênh dọc bờ sông Bạch Đằng.
Sáng ngày 9/4/1288, khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua bỏ chạy. Trúng kế, thuyền giặc di chuyển vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tiến vào bãi cọc.
Quân ta đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Thủy quân Đại Việt từ các hướng nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng trăm chiến thuyền chặn đầu địch ngang trên sông.
Quân Nguyên Mông bị mắc kẹt, nhiều chiến thuyền bị cháy rụi và đâm phải cọc nhọn. Một số cánh quân giặc bỏ thuyền chạy lên bờ để tìm đường trốn nhưng đều rơi vào ổ phục kích của quân nhà Trần. Hơn 600 chiến thuyền với khoảng 6 vạn quân địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn.