Các bài viết về trải nghiệm ở Đức của Sara đã xuất hiện trên nhiều tạp chí lớn của Mỹ và Đức như Time, The New York Times, The Wall Street Journal và Bild am Sonntag.
Cô cũng là tác giả cuốn sách “Achtung Baby: An American Mom on the German Art of Raising Self-Reliant Children” (tạm dịch: Cẩn thận con ơi: Một bà mẹ Mỹ khám phá nghệ thuật nuôi dạy con tự lập của người Đức).
Gia Đình Mới gửi tới độc giả bài viết của Sara về bí quyết dạy con như cha mẹ Đức, được đăng tải trên tờ Time:
“Lần đầu đến một sân chơi ở Berlin, tôi gần như bị sốc. Tất cả các bậc phụ huynh người Đức tụ tập uống cà phê, chẳng hề để ý đến lũ trẻ đang đu trên con rồng gỗ cách mặt cát tận 6 mét. Đâu rồi những đệm xốp dày, những tấm biển cảnh báo và cả đội ngũ luật sư thương tật cá nhân?
“Cẩn thận! Không!” – tôi thốt lên bằng vốn tiếng Đức ít ỏi của mình. Cả trẻ con và người lớn đều phớt lờ tôi.
Trái ngược với những định kiến, hầu hết các bậc phụ huynh Đức tôi gặp đều không hề nghiêm khắc như người ta vẫn nghĩ. Họ rất coi trọng tính tự lập và có trách nhiệm.
Những ông bố bà mẹ kia không phải đang bỏ mặc con cái, mà họ tin tưởng vào con mình. Berlin chẳng cần phong trào “nuôi thả tự do” (free range parenting) gì cả vì tự do là chuẩn mực ở đây.
Dưới đây là một vài điều bất ngờ mà các bậc phụ huynh Berlin thường làm:
1. Không thúc ép đọc sách
Các trường mẫu giáo ở Berlin không chú trọng vào học tập. Thực tế, các giáo viên và phụ huynh khác còn khuyên tôi không nên dạy con đọc. Họ nói rằng đọc sách là điều đặc biệt mà các con sẽ cùng học khi lên lớp 1. Còn mẫu giáo là thời gian để vui chơi và học qua tương tác xã hội.
Dù vậy, ngay cả khi lên lớp 1, trẻ cũng không bị thúc ép học tập quá mức. Trường tiểu học của con tôi chỉ học nửa ngày và xen kẽ là 2 lần ra chơi ngoài trời.
Nhưng đừng nghĩ rằng điều này có nghĩa là chất lượng giáo dục của họ kém. Theo một đánh giá năm 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh 15 tuổi của Đức đạt kết quả cao hơn mức trung bình quốc tế về đọc, toán và khoa học trong khi những người đồng trang lứa ở Mỹ chịu nhiều áp lực lại xếp hạng thấp hơn.
2. Khuyến khích trẻ nghịch lửa
Cô con gái lớp 2 của tôi hào hứng trở về nhà với thông báo từ trường học: Các con đang làm một dự án về lửa. Tôi cũng đã cho phép con thắp nến, làm thí nghiệm với diêm và đốt những thứ an toàn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn là phụ huynh duy nhất trong lớp không cho phép con đốt pháo hoa hạng nặng trong đêm giao thừa.
3. Để trẻ tự đi học một mình
Hầu hết trẻ em tiểu học ở Đức đều tự đi bộ đến trường và quanh khu phố. Một số thậm chí còn tự đi tàu điện ngầm.
Tất nhiên, các bậc phụ huynh Đức cũng quan tâm an toàn của con, nhưng họ thường chú trọng đến giao thông thay vì vấn đề bắt cóc.
Theo các nhà nghiên cứu, việc đi lại mà không có sự giám sát của bố mẹ – hay còn gọi là “khả năng di chuyển độc lập” – rất tốt cho trẻ em.
4. Lễ kỷ niệm cho trẻ vào lớp 1
Một người bạn ở Berlin từng nói với tôi rằng, 3 sự kiện lớn nhất đời người là Einschulung (lễ vào lớp 1), Jugendweihe (lễ trưởng thành) và kết hôn.
Ở Berlin, Einschulung là một lễ kỷ niệm lớn được tổ chức tại trường học vào một ngày thứ 7. Trẻ vào lớp 1 sẽ được nhận một hộp bằng bìa cứng hình nón gọi là Zuckertute (có nơi gọi là Schultute), chứa đầy đủ từ bút chì, bút màu, tẩy, đồng hồ, đồ chơi…
Sau đó, các bé còn có thêm một bữa tiệc khác với gia đình và bạn bè.
Einschulung là điều mà trẻ em Đức mong đợi trong nhiều năm. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời và niềm đam mê học tập.
5. Đưa trẻ ra ngoài mỗi ngày
Người Đức thường nói: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp”. Trường học khuyến khích dành thời gian ở ngoài trời. Vì vậy mà trường mẫu giáo trong tiếng Đức được gọi là “kindergarten”, có nghĩa “khu vườn cho trẻ em”.
Bạn cũng có thể thấy rõ điều này ở vô số sân chơi tại Berlin. Cho dù thời tiết lạnh giá và xám xịt như thế nào, các bậc phụ huynh vẫn mặc ấm cho con và đưa trẻ ra công viên hoặc cho trẻ tự đi chơi.
Điều này đưa tôi trở lại với câu chuyện con rồng. Từ khi chuyển tới đây, tôi đã cố gắng học hỏi thái độ của người Berlin và cô con gái 8 tuổi của tôi đã leo trèo khắp con rồng gỗ. Nhưng tôi vẫn do dự việc để con đi bộ một mình trong chính khu phố quanh nhà.
Tôi đã thực hiện trước một bước nhỏ, đó là để con tự đi đến tiệm bánh. Chỉ cần xuống cầu thang và đi qua một nhà là tới. Lần đầu tiên con làm điều này, con trở về với nụ cười rạng rỡ, tự hào đưa cho tôi những chiếc bánh mì con tự mua.
Tôi biết mình không cần cho con biết tôi đã đứng trên ban công dõi theo con suốt quá trình đó.”
(Theo Times)