Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024
spot_img
HomeLàm Cha Mẹ5 bí quyết nuôi con đặc biệt của cha mẹ Bắc Âu

5 bí quyết nuôi con đặc biệt của cha mẹ Bắc Âu


Linda Akeson McGurk là một nhà văn người Mỹ gốc Thuỵ Điển. Cô là tác giả của cuốn “Không có thời tiết xấu” (There’s No Such Thing as Bad Weather). Cô là người ủng hộ nhiệt tình phương pháp nuôi con kiểu Bắc Âu.

Kể về trải nghiệm làm mẹ ở Mỹ, cô chia sẻ: “Hoàn toàn khác với những gì tôi mong đợi. Những sân chơi mà tôi nghĩ sẽ đầy trẻ em thì thường vắng tanh. Hầu hết trẻ nhỏ thường ở trong nhà, dán mắt vào màn hình TV, điện thoại, hoặc bị nhồi nhét kiến thức ở trường mẫu giáo. Khi tôi đưa em bé ra ngoài đi dạo hàng ngày trong mùa đông, mọi người thường thấy thương hại tôi và đề nghị cho tôi quá giang”.

“Trong khi đó, ở quê hương Thuỵ Điển của tôi, trẻ em được ra ngoài hàng ngày bất kể thời tiết, cả ở nhà và ở trường mẫu giáo. Thay vì những tấm thẻ flashcard, bảng từ vựng hay các lớp tiền tiểu học, cha mẹ Bắc Âu chú trọng việc con cái được trèo cây và đào giun hơn là học hành sách vở”.

Nhà văn Linda cho biết, đây không phải là khác biệt duy nhất trong văn hoá nuôi con của hai đất nước này.

Dưới đây là những bí quyết nuôi con đặc biệt của cha mẹ Bắc Âu mà các phụ huynh nên học hỏi.

1. Cho trẻ ngủ trưa ngoài trời quanh năm

Đa số cha mẹ Bắc Âu kiên định với việc cho trẻ sơ sinh và trẻ tập đi hít thở không khí trong lành mỗi ngày đến mức họ cho trẻ ngủ trưa trong xe đẩy ngoài trời, kể cả vào mùa đông và khi thời tiết đóng băng.

Theo một nghiên cứu của Phần Lan, các phụ huynh cho rằng trẻ sẽ ngủ lâu hơn và sâu hơn khi được ủ ấm thoải mái bên ngoài trời lạnh, và hầu hết họ cảm thấy đây là phương pháp lành mạnh vì trẻ được hưởng không khí trong lành.

Các bác sĩ cũng khuyến nghị đây là cách để giảm thiểu việc trẻ tiếp xúc với mầm bệnh và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

2. Không ám ảnh về giới tính

Theo Linda, bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ bữa tiệc tiết lộ giới tính nào ở Bắc Âu. Các bệnh viện Thuỵ Điển thường không tiết lộ giới tính em bé trong quá trình siêu âm, vì vậy đa số phụ huynh tương lai đều không biết con mình sẽ là trai hay gái cho đến ngày em bé chào đời.

Phụ huynh nhận thức rõ cần đối xử với bé trai và bé gai như nhau và thường phản đối các công ty sản xuất quần áo hoặc đồ chơi áp đặt khuôn mẫu giới.

Thậm chí, một số phụ huynh còn chọn cho con học các trường mẫu giáo trung lập về giới tính, nơi có các phương pháp sư phạm chú trọng việc phá vỡ khuôn mẫu giới truyền thống.

3. Cấm hình phạt thể xác

Năm 1979, Thuỵ Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm đòi roi và các hình phạt thể xác khác. Sau đó không lâu, các nước láng giềng là Phần Lan và Na Uy đã nhanh chóng áp dụng theo.

Dù đòn roi đã từng là một cách dạy con phổ biến, song từ những năm 1960, ngày càng nhiều cha mẹ Thuỵ Điển tự nguyện từ bỏ phương pháp này.

Cho đến nay, sử dụng hình phạt thể xác đã là khái niệm xa lạ với các phụ huynh Bắc Âu.

4. Khuyến khích trẻ yêu cơ thể

Phụ huynh Bắc Âu cho phép trẻ nhỏ ở trần chạy nhảy ngoài trời khi thời tiết cho phép. Họ không coi khoả thân là đáng xấu hổ, mà tin rằng trẻ cần hiểu biết và thoải mái với cơ thể của chính mình.

Niềm tin này được phản ánh trong các cuốn sách cho trẻ em, đôi khi có những hình ảnh minh hoạ chính xác về mặt giải phẫu trẻ không mặc đồ.

Thậm chí, một chương trình truyền hình khoa giáo cho trẻ em ở Thuỵ Điển từng phát hành một đoạn clip có tên “Snoppen och Snippan” với hình ảnh bộ phận sinh dục nhảy múa hát ca, nhằm mục đích dạy trẻ từ ba đến sáu tuổi về cơ thể con người. Linda cho biết clip này nhanh chóng viral vì đa số phụ huynh thích thú và ủng hộ.

5. Khuyến khích trẻ rong chơi và lấm bẩn

Chơi đùa ngoài trời và lấm bẩn được coi là một phần hoàn toàn tự nhiên, thậm chí đáng quý của tuổi thơ trong xã hội Bắc Âu.

Các phụ huynh vui vẻ đón nhận những đôi ủng đầy bùn, đầu gối trầy xước và đống quần áo bẩn như bằng chứng cho một ngày tuyệt vời, đầy phiêu lưu và khám phá của con cái họ.

Cha mẹ Bắc Âu không ám ảnh với việc khử trùng đồ chơi của con trẻ hay dùng nước rửa tay bỏ túi khi ra ngoài. Họ cũng không hoảng loạn khi con cái nghịch đất.

Các nghiên cứu đã cho thấy quan điểm này là đúng đắn, vì vi khuẩn trong đất có thể giúp tăng cường sức khoẻ và hệ thống miễn dịch của trẻ, giảm dị ứng và hen suyễn.

(Theo Time)



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments