1. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
(Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016).
2. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cảm đoán, làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
(Điều 37 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020).
Theo đó, hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh để đăng ký khai sinh có thể bị phạt tiền đến 5.000.000đ và bị xử lý tùy theo tính chất vi phạm đối với giấy khai sinh đã cấp.
3. Những cái tên bị cấm đặt khai sinh ở Việt Nam
Việt Nam có 54 dân tộc anh em nên số dòng họ ở nước ta cũng cực kì đa dạng. Theo như cuốn Họ và tên người Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội) trong bản in đầu tiên năm 1992 thì Việt Nam có 769 họ trong đó người Kinh có tới 164 họ. Họ là phần cố định trong tên của người Việt, phần đệm và tên gọi có thể tự do biến tấu. Đáng chú ý, có 3 cái tên bị cấm khai sinh tại Việt Nam đã được nêu rõ trong luật Dân sự và Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch:
1. Xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân sự có quy định về việc không được đặt tên xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Song quy định này hiện vẫn chưa có hướng dẫn về các biểu hiện cụ thể của hành vi trên. Do đó nên cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào đặt tên bị từ chối với lý do xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
2. Không đặt tên cho con bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam
Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Dân cũng quy định việc đặt tên cá nhân phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc Việt Nam, nếu không tuân thủ sẽ có thể bị từ chối khai sinh. Tỷ lệ người nước ngoài sinh sống làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng kéo theo tỷ lệ người Việt kết hôn với người nước ngoài cũng tăng theo.
Không quan trọng bố hoặc mẹ là người nước nào, miễn là sinh con mang quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh cho con tại Việt Nam thì sẽ là công dân Việt Nam, do đó buộc phải tuân thủ quy định của Việt Nam trong việc đặt tên, tức là những cái tên bằng tiếng nước ngoài sẽ không được chấp nhận.
3. Đặt tên bằng số, một ký tự mà không phải chữ
Khi đặt tên cho con, phụ huynh cần tuyệt đối không sử dụng số hoặc các ký tự đặc biệt không phải chữ như @, #, $… vì pháp luật Việt Nam không cho phép sử dụng chúng trong tên khai sinh.
4. Không giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của Việt Nam
Ngoài Thông tư 04/2020/TT-BTP, cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là tên không giữ gìn bản sắc dân tộc, truyền thống văn hoá tốt đẹp, tập quán của Việt Nam. Vì vậy việc xác định tên có vi phạm quy định trên hay không thì cần xem xét cụ thể về tên, bản sắc dân tộc của người sở hữu tên cũng như những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cộng đồng dân cư mà người đó sinh sống.
5. Đặt tên quá dài, khó sử dụng
Hiện tại pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định cụ thể về việc tên có bao nhiêu ký tự thì bị xem là dài, khó sử dụng. Song, dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã từng đề xuất giới hạn số ký tự trong tên của một cá nhân không được quá 25 nhưng đề xuất này đã không được đưa vào Bộ luật Dân sự.