Muốn thành công như vậy tất nhiên các em sẽ cần đến sự chăm chỉ, nỗ lực và kỷ luật – mà những điều này thì lại thường được chính các phụ huynh bồi đắp và rèn luyện cho con.
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, đây là 7 việc mà đa số cha mẹ những đứa trẻ thành công vẫn hay làm.
1. Khuyến khích trẻ làm việc chăm chỉ và không trốn tránh thất bại
Carol Dweck, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford phát hiện ra rằng người lớn và trẻ em suy nghĩ về thành công theo hai cách. Một là “suy nghĩ cố định” rằng thành công là kết quả của trí thông minh, khả năng sáng tạo bẩm sinh, không thay đổi. Hai là “tư duy tăng trưởng” khi nhận thấy thất bại chỉ là bàn đạp khích lệ, là cơ hội học hỏi và là hướng phát triển tự nhiên theo mô hình xoắn ốc để đi đến thành công.
Cốt lõi trong sự phân biệt thành công của cha mẹ sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công của con cái trong tương lai. Cha mẹ của những người thành công thường không trông mong quá nhiều hay khen ngợi vào khả năng thông minh vốn có của con cái, họ dạy con “tư duy tăng trưởng” để trẻ tự phấn đấu, học tập và làm việc chăm chỉ hơn cho những thành tựu sau này.
Cha mẹ của những người thành công thường để trẻ tự phấn đấu, học tập và làm việc chăm chỉ hơn cho những thành tựu sau này. Ảnh minh họa
2. Bảo đảm người mẹ được hạnh phúc
Không phải ngẫu nhiên mà có câu nói “Happy wife, happy life”, dịch một cách hóm hỉnh là “Vợ vui thì đời mới vui”.
Các chuyên gia tới từ Tổ chức Marriage Foundation và Đại học Lincoln đã phân tích các dữ liệu từ cuộc nghiên cứu Millennium Cohort (Thuần tập Thiên niên kỷ) – 1 nghiên cứu dài hơi được thực hiện tại Đại học London, thu thập dữ liệu của 13.000 cặp vợ chồng tại Anh có con sinh ra vào năm 2000 hoặc 2001.
Họ đã xem xét mức độ hài lòng của các cặp đôi trong mối quan hệ của họ khi đứa trẻ được 9 tháng tuổi. Sau đó, các giai đoạn được tua nhanh đến 14 năm sau để xem cặp vợ chồng đang hạnh phúc ra sao và họ có còn ở bên nhau nữa hay không, những đứa con tuổi teen của họ có vấn đề gì về sức khỏe tâm thần hay không cũng như bố mẹ và con cái gần gũi ra sao với nhau.
Kết quả cho thấy 4 tiêu chí nói trên liên quan đến sự hài lòng của người mẹ nhiều hơn là sự hài lòng của người cha. Ví dụ, các bé trai có sức khỏe tâm thần tốt hơn khi có mẹ hạnh phúc gấp đôi những bà mẹ khác…
3. Hỗ trợ trẻ trong việc phát triển ý thức tự lập mạnh mẽ
Để thực hiện điều này, cha mẹ cần phải có sự cân bằng trong dạy dỗ. Quá bao bọc sẽ cản trở tính độc lập trong khi cha mẹ quá dễ dãi lại cướp đi cơ hội của con được học về sự liêm chính, định hướng, cam kết và khả năng tập trung.
Trẻ em cần được giúp đỡ để có thể xác định điểm mạnh, điểm yếu riêng, sở thích và những gì chúng không thích.
4. Cho con đi học nhạc
Việc học nhạc không chỉ giúp trẻ có những phút giây thư giãn, vui vẻ, mà còn thực sự tốt cho quá trình học tập nói chung của trẻ. Ảnh minh họa
Việc học nhạc không chỉ giúp trẻ có những phút giây thư giãn, vui vẻ, mà còn thực sự tốt cho quá trình học tập nói chung của trẻ.
Các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Georgia và Đại học Alabama đã nghiên cứu 2323 bậc phụ huynh có con ở độ tuổi từ 7 đến 17 đang đi học một loại nhạc cụ nào đó và trong đó, đa số các bậc phụ huynh đều tin rằng việc học nhạc giúp con họ quản lý thời gian và cải thiện khả năng chú ý tốt hơn.
Cụ thể, 85% các bậc phụ huynh cảm thấy những bài học về âm nhạc giúp các con cải thiện sự kiên nhẫn, độ bền bỉ và khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, thậm chí là nhiệm vụ khó. 71% các bậc phụ huynh tin rằng vì học nhạc nên trẻ cũng giỏi hơn trong việc sắp xếp các ưu tiên và tự hạn chế thời gian xem tivi hoặc ipad, điện thoại vì biết khi làm như vậy, chúng sẽ có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động quan trọng với chúng.
5. Dạy trẻ học Toán sớm
Một phân tích tổng hợp năm 2007 với 35.000 trẻ mẫu giáo của nhà nghiên cứu Greg Duncan đến từ Đại học Northwestern tại Mỹ, Canada và Anh cho thấy việc phát triển kỹ năng toán học sớm từ trẻ có thể mang lại những lợi thế to lớn.
Theo Greg Duncan, các kỹ năng Toán học bao gồm: Khái niệm về số, thứ tự độ lớn và các khái niệm Toán học cơ bản. Việc nắm vững các kỹ năng này không chỉ giúp trẻ đạt được kết quả tốt trong việc học tập sau này mà còn nâng cao khả năng đọc của trẻ.
6. Dạy con cách tập trung
Việc “vượt qua xao nhãng” là kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta sẽ cần đến trong tương lai. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý học tới từ Đại học Standford, Nir Eyal, tác giả cuốn Indistractable: How to Control Your Attention and Choose Your Life (Tạm dịch: Vượt qua xao nhãng: Làm sao để kiểm soát sự chú ý và chọn lựa cuộc sống của bạn), việc “vượt qua xao nhãng” là kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta sẽ cần đến trong tương lai. Thế nhưng, đây lại là điều mà nhiều bậc cha mẹ không dạy cho con.
Chuyên gia Nir cho biết, điểm mấu chốt nằm ở việc các phụ huynh nên dạy trẻ tại sao việc giới hạn thời gian xem tivi hay các thiết bị điện tử khác lại quan trọng, và sau đó cho chúng quyền tự quyết định hạn mức thời gian được phép xem.
Trong trường hợp của mình, khi con gái còn nhỏ, chuyên gia Nir và vợ đã ngồi xuống nói chuyện với con, giải thích rằng nếu dành nhiều thời gian cho iPad nghĩa là cô bé sẽ có ít thời gian hơn để tham gia các hoạt động thú vị khác, như chơi cùng bạn bè, hoặc ra bể bơi.
Sau đó, họ giải thích rằng các ứng dụng và video mà cô bé yêu thích được tạo ra để cô bé muốn xem chúng càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, họ hỏi cô bé rằng theo cô bé thì thời gian xem iPad mỗi ngày bao nhiêu là đủ. Thay vì nói “cả ngày”, cô bé đã nói “2 chương trình biểu diễn”.
7. Xây dựng sự kiên trì và sức chịu đựng ở trẻ
Khuyến khích trẻ em kiên nhẫn với việc khó hoặc những vấn đề khó chịu sẽ giúp con dễ thành công trong cuộc sống sau này. Những khó khăn xây dựng quan điểm “mình có thể làm” là điều rất quan trọng với trẻ để có vị trí tốt trước khi bước vào tuổi trưởng thành.
Một đứa trẻ thiếu “tinh thần chiến đấu” sẽ ít có khả năng phát triển đặc tính này về sau, cũng như thiếu sự cam kết, khả năng xử lý tình huống và nỗ lực bền bỉ lâu dài.