Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹAi bảo vệ gấu Misa?

Ai bảo vệ gấu Misa?


Tôi học bài hát này vào năm cuối mẫu giáo, chuẩn bị bước vào cấp 1. Năm đó, trên tivi chiếu bộ phim Những thiên thần của Charlie, một bộ phim khiến tôi có ước mơ táo bạo là thành lập một nhóm nữ thám tử nữ gồm 3 đứa con gái mới 6-7 tuổi đi khám phá những vụ án ly kì trong xóm. Và cuộc họp đầu tiên đã diễn ra ở bếp nhà tôi. Bàn họp là cái lồng bàn lật ngửa, úp mâm lên để có chỗ ngồi ghi chép. Tôi hào hứng tới quên ăn quên ngủ, chỉ mong hết giờ học để phi ngay sang nhà N. – bạn thân của tôi lúc ấy, khoe với bạn kế hoạch của mình.

Hôm ấy, ăn tối xong, tôi tranh thủ xin phép mẹ sang nhà bạn. N. có một người anh trai lớn hơn 7 tuổi, tức là lớn hơn anh cả của tôi. Anh của N. có rất nhiều bộ truyện hấp dẫn của NXB Kim Đồng, mà tôi thì vô cùng thích đọc, bố mẹ chẳng mấy khi cho tôi tiền mua truyện nên được cho mượn là thích lắm rồi. Tôi hỏi anh có truyện gì mới không cho em mượn, và như mọi lần, anh đưa tôi lên tầng trên để cho tôi thoải mái chọn trong kho tàng quý giá ấy.



Tôi không biết điều gì đã xảy ra trước đó với anh ta, tôi chỉ nhớ khi ấy tôi đang cúi xuống tìm truyện thì bỗng dưng anh ta nhào tới và đè lên người tôi, giữ chặt. Anh ta bắt đầu thơm lên cổ, và lúc ấy may sao tôi đã co 2 chân lên và dùng hết sức đạp bật anh ta ra. Sợ hãi, hoảng loạn và xấu hổ, tôi chỉ lí nhí 1-2 câu rằng em phải về vì cần chuẩn bị cho đội thám tử của mình. Gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ bầu trời chiều tối hôm ấy. Nhà tôi vừa mới sửa, chiếc giường to đặt ở cạnh bậu cửa sổ còn chưa lắp khung, và tôi chạy về lao lên giường khóc nức nở. Mẹ tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, tôi bịa ra câu chuyện gì đó và khóc tiếp. Tôi xấu hổ, tủi nhục và thấy run rẩy mỗi khi nghĩ đến cảnh ấy. Về sau, tôi vẫn sang nhà bạn chơi, coi như không có chuyện gì xảy ra nhưng không dám lên gác nữa.

Có lẽ trẻ con cũng dễ nguôi ngoai nếu có trò chơi mới xuất hiện. Tôi được anh trai hướng dẫn trò sưu tầm tem. Cách sưu tầm của chúng tôi là tiết kiệm tiền ăn sáng, hoặc xin bố mẹ ít tiền lẻ đi chợ còn dư để ra ngoài sạp báo mua những con tem mới nhất, không trùng lặp và tự hào về số lượng tem mình có. Chúng tôi có 2 địa điểm mua tem, một hàng ngay đầu ngõ, khá ít mẫu. Hàng thứ 2 đi xa hơn chút, là hàng của một chú ngồi xe lăn bán xổ số kiêm tem, phong bì.

Ngày nọ, tôi sang hàng chú xe lăn để mua tem. Khi đang phân vân mua loại nào với số tiền ít ỏi, bỗng dưng chú bán tem đưa tay ra sờ lên ngực của tôi và ấn mạnh. Sau đó, ông ta còn khen tôi phổng phao. Tôi chết trân tại chỗ, đó chính là cảm giác tôi đã từng có vào hôm anh của N. tấn công tôi. Tôi xấu hổ, ngượng đỏ mặt và không biết phải phản ứng như thế nào. Tôi chỉ biết sợ người đàn ông này và chạy biến về nhà.

Đó là những người hàng xóm của gia đình tôi, những người mà dù muốn hay không thì hàng ngày tôi vẫn phải chạm mặt trên đường đi học.

Một lần khác, lần này còn kinh khủng hơn 2 lần trước. Năm ấy tôi đi thi đàn khi đang học lớp 8. Sau bài thi năng khiếu không tốt như đã chuẩn bị, quá căng thẳng và thất vọng, tôi trốn sau cánh gà khóc. Bỗng dưng, một kẻ lạ mặt xuất hiện. Tôi không quen biết hắn ta, nhưng trong phút chốc hắn đã đứng sau và kề sát vùng kín vào người tôi. Lúc này tôi đã lớn hơn, nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là tím tái mặt mày, oà khóc chạy đi tìm anh trai, người chở tôi đến cuộc thi. Khi ấy, tôi còn đang giận dỗi anh nhưng vẫn phải mở miệng nói: “Anh ơi, có người bắt nạt em“.

Đáng lẽ đó là một cuộc thi để lại kỷ niệm đẹp vì chung cuộc tôi vẫn đạt giải. Song, ký ức sâu đậm nhất trong tâm trí tôi lại là bị một người đàn ông lạ mặt tấn công, suýt soát trở thành một vụ xâm hại giống như báo chí vẫn đưa tin.

Quấy rối hay xâm hại tình dục có thể đến từ những người hàng xóm của gia đình tôi, những người mà dù muốn hay không thì hàng ngày tôi vẫn phải chạm mặt trên đường đi học. Đó cũng có thể là một người lạ, một người chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất trong đời mà tôi sợ hãi không dám nhìn thẳng mặt. Tôi biết kể gì với bố mẹ bây giờ? Ai sẽ tin lời một đứa trẻ đây? Tôi sợ bọn họ sẽ trả thù nếu tôi nói ra với bố mẹ. Bố mẹ tôi cũng chỉ là những người hiền lành, không gây hấn với ai bao giờ. Điều duy nhất tôi có thể làm là sợ hãi, tránh xa, không dám đến gần họ nữa, và đem theo nỗi xấu hổ đến tận khi đã lớn.

Có thể những kẻ từng quấy rối tình dục trong quá khứ đã chọn cách quên đi hành động và ký ức đó, nhưng những người bị tổn thương thì không. Họ sẽ sống với cảm giác sợ hãi, ám ảnh và xấu hổ suốt đời.

Gần đây, khi làn sóng phản đối hành vi quấy rối tình dục lên cao, những nạn nhân bắt đầu dũng cảm đứng ra ánh sáng để tố cáo kẻ gây tổn thương cho mình. Tôi và một vài người bạn quan tâm đến chủ đề này nói chuyện với nhau, và thật bất ngờ khi không cần ai khơi gợi, chúng tôi đều kể về bóng ma tâm lý đến từ việc bị quấy rối trong quá khứ. Hoá ra, điều đó diễn ra nhiều đến thế, và chúng ta đã thực sự bị tổn thương đến vậy. Thậm chí, sáng nay, em gái tôi đã chủ động kể rằng em bị một người họ hàng động chạm, sờ mó vùng nhạy cảm khi còn bé.

Em gái tôi kém tôi 8 tuổi, và chính tôi là người đã dạy em từ sớm về việc nhận biết và tránh xa những hành vi quấy rối. Ấy vậy mà em vẫn không tránh được. Ngày tôi còn đi học đại học, tôi nhớ có một vài tranh vẽ trên các diễn đàn của nước ngoài mô phỏng bối cảnh một bé trai bị xâm hại tình dục và coi đó là trò đùa cợt. Tôi đã tức giận, không thể hiểu nổi tại sao mọi người lại coi đó là một nội dung giải trí.

Tôi đồng thời nhận ra, có thể những kẻ từng quấy rối tình dục trong quá khứ sẽ chọn cách quên đi hành động và ký ức đó, nhưng những người bị tổn thương thì không. Họ sống với cảm giác sợ hãi, ám ảnh và xấu hổ suốt đời.

Tôi càng thấm điều ấy khi mình có một đứa con xinh xắn, đáng yêu và ngây thơ. Tôi không muốn những gì đã xảy ra với mình xảy đến với con, và càng không muốn dung túng cho hành vi quấy rối tình dục được “bình thường hóa” trong xã hội này.

Chúng ta là người lớn, chúng ta nhận biết rõ ràng đúng sai, đen trắng khi có hành vi quấy rối tình dục xảy ra. Vậy còn trẻ em thì sao, ai sẽ là người bảo vệ chúng và hàn gắn tổn thương tâm lý mang theo suốt đời? Khi nói ra được nỗi xấu hổ đã đeo bám tôi gần 30 năm qua, tôi nhận ra mình đang giúp chính bản thân hàn gắn vết thương quá khứ và bảo vệ cho thế hệ sau.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments