Cùng với các món khô như khô bò, khô gà, thịt gác bếp là món ăn vặt đặc sản mỗi khi Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, đây cũng là món ăn gây nhiều thắc mắc của người tiêu dùng về liệu món ăn này có đảm bảo an toàn cho sức khỏe?
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thịt gác bếp vốn là món ăn được người dân khu vực Tây Bắc nghĩ ra để giúp tăng thời hạn bảo quản của thực phẩm.
Loại thịt này thường được treo lên cao, qua quá trình đun bếp củi, khói được tạo ra, bám vào bề mặt thịt. Khói sẽ có chứa một số chất kháng khuẩn tốt, giúp ức chế vi sinh vật, từ đó kéo dài thời hạn sử dụng của thịt.
Về dinh dưỡng, thịt gác bếp thường được tẩm ướp gia vị mặn, do đó nếu sử dụng nhiều người sử dụng các đồ ăn này lại đối diện với nguy cơ thừa muối, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chưa kể đây cũng là món ăn giàu đạm, chính vì thế nếu quá trình sau gác bếp được lấy xuống, bảo quản không đúng cách sẽ dễ xảy ra hiện tượng mốc phát triển do nhiễm vi khuẩn. Khi đó, sẽ sinh ra các chất có hại cho sức khỏe người dùng.
Th.S BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cũng nhìn nhận, tương tự như thịt nướng, khi khói bám vào bề mặt thịt trâu hoặc bò gác bếp, thì sẽ tạo thành hợp chất benzen.
Đây là nhóm này thường được xếp vào nhóm có nguy cơ gây ung thư, nếu chúng ta tiêu thụ nhiều, nguy cơ này cũng giống như khi chúng ta ăn nhiều thịt đỏ, hoặc đồ muối chua…
“Thịt gác bếp không được xếp vào nhóm thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe. Do đó, với thịt gác bếp chúng ta nên ăn thưởng thức, ăn với tinh thần vui xuân, không nên ăn thường xuyên và ăn quá nhiều như thực phẩm hàng ngày”- Thạc sĩ Hùng nói.