Theo PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, ngay cả khi không uống rượu bia, cơ thể vẫn có thể sinh ra cồn tự nhiên- hay còn gọi là cồn sinh học.
Nồng độ cồn tự nhiên này có thể đến từ nhiều “con đường”, mà trong đó có việc chúng ra ăn một số thực phẩm giàu tinh bột đường.
Nói rõ vấn đề này, theo PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, cồn hay nói chính xác hơn là ethanol là sản phẩm chuyển hóa (dưới tác động của hệ vi sinh đường ruột) được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống rượu bia.
Đây là chất được chuyển hóa trực tiếp từ acetaldehyde – có nguồn gốc từ đường glucose. Đặc biệt, khi chúng ta một số thực phẩm giàu tinh bột đường, thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.
Ethanol vào cơ thể tiếp tục được chuyển hóa thành CO2 và nước. Nói một cách dễ hiểu, nước sẽ thoát qua phổi, khi thở ra chúng ta ngửi thấy có mùi cồn.
Nhưng phải nhớ rằng cồn tự nhiên chúng chỉ lưu trữ một chút trong cơ thể và phân hủy, đào thải rất nhanh.
Nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể, ngoài việc đến từ ăn nhiều thực phẩm chứa tinh bột, đường thì còn đến từ một số loại quả có hàm lượng đường cao, và khi chúng quá chín sẽ sinh ra một lượng nhỏ ethanol, và chỉ khoảng 20 phút là đào thải hết. Đơn cử như ăn nhiều chuối chín, hồng xiêm hay vải chín…
Ngoài ra ethanol cũng là một loại tá dược phổ biến trong điều chế thuốc, nên ở một số loại thuốc dạng dung dịch như siro ho thì cũng dễ gặp.
Tuy nhiên, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh: Như đã nói, các con đường này chỉ dẫn tới mức tăng rất nhỏ hàm lượng ethanol trong máu, chúng bay hơi rất nhanh, thậm chí nhiều khi không phát hiện được.