Mới đây Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã dẫn thông tin từ Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông, về cách phân biệt hai thuật ngữ chỉ hạn sử dụng trong thực phẩm: “sử dụng trước ngày” và “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Đây cũng là hai thuật ngữ mà người tiêu dùng Việt dễ gặp khi mua thực phẩm sống hoặc chế biến sẵn, đặc biệt là các thực phẩm nhập khẩu.
Theo đó, thuật ngữ “sử dụng trước – use by date” là chỉ về an toàn thực phẩm, trong khi “tốt nhất trước ngày- Best Before date…” lại là cụm từ chỉ về chất lượng thực phẩm, không phải tính an toàn.
Sử dụng trước ngày – use by date…
Thông tin từ Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông cho biết, khi thực phẩm có cụm từ “sử dụng trước ngày”, tức là thực phẩm có thể sử dụng và an toàn cho đến ngày hạn sử dụng, chứ không phải ngày hôm sau.
Cụm từ này thường dùng cho những loại thực phẩm có thời hạn an toàn ngắn, dễ hỏng sau ngày hạn sử dụng, đơn cử như các sản phẩm thịt hoặc các loại salat ăn liền.
Sử dụng tốt trước ngày- Best Before date
Trong khi cụm từ “sử dụng tốt nhất trước ngày…” lại dùng để chỉ hạn sử dụng về chất lượng tốt nhất của sản phẩm, không phải là về độ an toàn.
Điều này có nghĩa là thực phẩm vẫn có thể an toàn để ăn sau ngày này nhưng không ở trạng thái ngon nhất. Hương vị và kết cấu của nó có thể không còn ngon như trước. Cụm từ này thường được dùng đối với thực phẩm đông lạnh, đồ khô và đóng hộp. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tránh ăn những thực phẩm hư hỏng và nên sử dụng theo đúng hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm.
Lưu ý khi sử dụng thực phẩm sau khi xé/mở bao bì
Người dân khi mua thực phẩm, ngoài lưu ý thông tin sản phẩm, hạn sử dụng thì cần chú ý và tuân thủ các nguyên tắc hướng dẫn sử dụng, bảo quản của nhà sản xuất.
Khi thực phẩm đã được xé bao bì, thì hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm có thể không còn phù hợp nữa. Đơn cử một số sản phẩm khi mở nắp sẽ được nhà sản xuất lưu ý như “bảo quản trong tủ lạnh sau khi mở nắp ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 4 độ C và dùng hết trong vòng 7 ngày”.