Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP.HCM) thông tin mới đây tiếp nhận một bệnh nhân (37 tuổi) nhập khoa Nội thần kinh do đột quỵ.
Nhiều ca đột quỵ trẻ, di chứng nặng
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân kể với bác sĩ rằng chưa từng đi tầm soát sức khỏe. Trước nhập viện, bệnh nhân bỗng bị yếu liệt nửa người. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết não, huyết áp rất cao.
Quá trình nằm viện theo dõi, ngày nào huyết áp của bệnh nhân cũng cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cao huyết áp từ trước nhưng không biết, đột quỵ là hậu quả của tăng huyết áp.
Bệnh nhân được kiểm soát đưa về huyết áp mục tiêu tránh tái xuất huyết, điều trị chống phù não để bảo vệ tế bào não và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Sau điều trị, bệnh nhân có hồi phục nhưng bị di chứng yếu nửa người, nói ngọng.
Một bệnh nhân khác (40 tuổi) nhập Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) do đột quỵ. Bệnh nhân này bị đột quỵ trong lúc ngủ, được người nhà phát hiện nên đưa đi bệnh viện.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, liệt nửa người. Bác sĩ thăm khám, chụp phim nhận thấy tổn thương não đã quá nặng, quá trễ thời gian vàng nên không thể chỉ định tái thông.
Bệnh nhân được điều trị tích cực, chống phù não bằng nội khoa. Tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, bệnh nhân diễn tiến phù não ác tính, phải phẫu thuật mổ sọ giải áp, cứu não đang phù nặng. Mặc dù được cứu nhưng bệnh nhân phải sống thực vật.
Trên thế giới, có 25% người sau 25 tuổi mắc đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trẻ, ảnh hưởng đến 116 triệu người.
Nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), nhận định bệnh đột quỵ trẻ hóa không chỉ xảy ra riêng ở Việt Nam mà còn là xu hướng của cả thế giới.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Thắng cho rằng, trước đây người ta thường nghĩ đột quỵ là bệnh lý của người lớn tuổi. Tình trạng cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn cholesterol máu hay các bệnh lý tim mạch… là nhóm nguyên nhân quan trọng gây bệnh đột quỵ. Tỉ lệ mắc các nhóm nguyên nhân bệnh lý này tăng dần theo độ tuổi, nghĩa là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh này càng cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bệnh đột quỵ tăng không chỉ vì các mắc bệnh lý nêu trên mà còn liên quan đến lối sống, chẳng hạn ăn ngọt nhiều hơn, tỉ lệ béo phì cao, ít vận động, sử dụng nhiều chất kích thích, bia rượu, thuốc lá… Đây chính là nhóm nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng.
Cạnh đó, nhóm nguyên nhân liên quan lối sống cũng làm tăng tỉ lệ mắc các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp…, tác động đến việc bệnh nhân bị mắc các yếu tố nguy cơ bệnh lý sớm hơn, từ đó mắc đột quỵ sớm.
“Đặc biệt, người trẻ thường có yếu tố chủ quan. Rất nhiều bệnh nhân trẻ đến với chúng tôi khi huyết áp tăng trên 200, vậy mà người ta vẫn tự tin rằng mình khỏe, không hiểu rằng họ đang ở trong nguy cơ rất cao.
Đáng nói, khi thuyết phục một người 70 tuổi uống thuốc lâu dài lại dễ hơn rất nhiều so với thuyết phục một người 30-40 tuổi phải uống thuốc suốt đời. Tất cả những điều kể trên làm cho tuổi mắc bệnh đột quỵ thời gian gần đây dần trẻ hóa” – bác sĩ Thắng phân tích.
Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM chia sẻ thêm, hiện nay tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong giờ vàng đã cao hơn ngày xưa. Trước đây, thời gian bệnh nhân đến với Bệnh viện Nhân dân 115 trong vòng 3 giờ rưỡi là khoảng 12%, nay tỉ lệ này tăng lên đến 17- 18%.
“Việt Nam ngang với Thái Lan về số lượng ca điều trị cấp và kỹ thuật hiện đại, nhưng cái mà chúng ta có thể không bằng họ đó là sự đồng đều về chất lượng giữa các cơ sở, trung tâm điều trị đột quỵ. Ngay cả số lượng xe cấp cứu giữa các tỉnh thành cũng không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu đột quỵ ngày càng tăng” – bác sĩ Thắng chia sẻ.
Mạng lưới điều trị bệnh đột quỵ tại Việt Nam đã tăng dần. Hiện nước ta có 126 trung tâm đột quỵ (trước đây khoảng 110), con số này chỉ mới đáp ứng tối đa 50% nhu cầu điều trị đột quỵ. Mỗi năm nước ta cố gắng tăng 10 đơn vị điều trị đột quỵ, đây là cách giúp bệnh nhân tiếp cận được những phương pháp điều trị đặc hiệu, chuyên biệt tốt hơn.
Phòng ngừa bệnh đột quỵ ở người trẻ
Cần duy trì lối sống khoa học để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ. Cụ thể, nên hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ; Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài;
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas;
Không sử dụng các chất kích thích; Thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu;
Khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường… Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả.