Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
HomeKhỏe ĐẹpCác loại mùi cơ thể cảnh báo bệnh tật

Các loại mùi cơ thể cảnh báo bệnh tật


Nguyên nhân chính khiến bàn chân có mùi hôi là mồ hôi, vi khuẩn tích tụ trên da và nhiễm nấm. Ảnh: Freepik.






Cơ thể có mùi khó chịu không chỉ ảnh hưởng tâm lý, khả năng giao tiếp với mọi người mà còn cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Hôi miệng

Theo India Times, nếu bạn vẫn vệ sinh răng miệng, đánh răng 2 lần/ngày mà vẫn bị hôi miệng, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe dưới đây:

– Nhiễm trùng ở hệ hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản và viêm phổi khiến vi khuẩn sẽ nhân lên trong đường hô hấp, tạo ra các hợp chất có mùi hôi được thải ra khi thở ra.

– Vấn đề về tiêu hóa: Với những người mắc các rối loạn tiêu hóa như trào ngược axit, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và loét dạ dày, axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, dẫn đến miệng có mùi vị khó chịu.

– Bệnh tiểu đường: Sự hiện diện của xeton trong hơi thở của những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được có thể gây ra mùi trái cây, đặc biệt được gọi là “hơi thở có axeton”.

– Bệnh thận: Căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng lọc chất thải từ máu của cơ thể, dẫn đến tích tụ chất độc trong máu, gây ra mùi giống như amoniac trong hơi thở, thường được gọi là “hơi thở urê”.

– Rối loạn chức năng gan: Ở những người mắc xơ gan hoặc bệnh gan nhiễm mỡ, chất độc không được chuyển hóa ở gan, tích tụ dần, dẫn đến hơi thở có mùi hôi.

Hôi miệng có thể do nhiều vấn đề sức khỏe gây ra. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Vùng da dưới cánh tay

Theo Medical News Today, mồ hôi là nguyên nhân khiến nách hay vùng da dưới cánh tay có mùi hôi. Căng thẳng và cảm xúc mãnh liệt cũng có thể khiến mọi người đổ mồ hôi. Các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn ở cả nam và nữ trong tuổi dậy thì, dẫn đến hôi nách.

Một số người mắc chứng rối loạn tăng tiết mồ hôi khiến họ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, ngay cả khi không nóng hoặc không tập thể dục. Các nguyên nhân khác có thể gây ra chứng tăng tiết mồ hôi bao gồm:

– Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng, bao gồm bệnh brucellosis, HIV, sốt rét và viêm nội tâm mạc, có thể dẫn đến chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát, gây mùi khó chịu.

– Bệnh chàm da: Căn bệnh này có thể gây ra mùi mốc. Nó gây phát ban, phát triển ở các nếp gấp trên da, chẳng hạn ở bụng, dưới vú và ở nách.

Hôi chân

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), nguyên nhân chính khiến bàn chân có mùi hôi là mồ hôi, vi khuẩn tích tụ trên da và nhiễm nấm.

Có hàng nghìn tuyến mồ hôi ở bàn chân. Người lớn có nhiều tuyến mồ hôi ở bàn chân hơn trẻ em, đó là lý do người lớn dễ bị hôi chân hơn. Khi vi khuẩn và nấm ở lòng bàn chân phát triển và ăn da chết, chúng sẽ tiết ra các hóa chất có mùi khó chịu, dẫn đến chân có mùi hôi.

Mọi người đều có vi khuẩn và nấm trên da và chân ai cũng đổ mồ hôi. Một số điều làm tăng nguy cơ bị hôi chân là:

– Tăng tiết mồ hôi: Nếu đi bộ cả ngày trong thời tiết nắng nóng, bạn có nhiều khả năng bị hôi chân vào cuối ngày. Tập thể dục, nhiệt độ nóng và đi tất dày hoặc giày chật đều có thể khiến chân bạn đổ mồ hôi nhiều hơn.

– Nhiễm trùng da: Việc vi khuẩn và nấm sống trên bàn chân của bạn là điều bình thường. Nhưng khi một vi sinh vật bị kích thích, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Nhiễm nấm ở bàn chân, còn gọi là bệnh nấm bàn chân, là tình trạng da phổ biến có thể làm tăng mùi hôi ở bàn chân.

Một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý mạch máu, hoại tử mô cũng gây mùi hôi khó chịu tại các vết thương bàn chân. Khi mắc những bệnh lý này, vết thương vùng bàn chân sẽ lâu lành và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây mùi.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments