Ăn sáng sau 9h khiến nguy cơ tiểu đường cao hơn 59%
Một nghiên cứu công bố tháng 7/2023 trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế, thực hiện trên hơn 100.000 người, chỉ ra rằng những người ăn sáng sau 9 giờ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn tới 59% so với người ăn sáng trước 8 giờ. Nguyên nhân là thời điểm ăn sáng ảnh hưởng đáng kể đến khả năng kiểm soát đường huyết, mỡ máu và mức insulin của cơ thể.
Không chỉ liên quan đến bệnh chuyển hóa, bữa sáng ăn muộn còn liên quan đến tốc độ lão hóa.
Tháng 6/2024, Tạp chí Thực phẩm và Chức năng công bố một nghiên cứu đáng chú ý: những người ăn sáng trễ có biểu hiện tuổi sinh học lớn hơn, tỷ lệ lão hóa sớm cao hơn so với người ăn sáng sớm.
Cụ thể, so với người ăn sáng vào lúc 6:14 sáng, những người ăn bữa đầu tiên lúc 10:26 có nguy cơ lão hóa sớm cao hơn 25%.
Các chuyên gia cho rằng, việc ăn sáng quá muộn làm rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến chuyển hóa năng lượng, khiến cơ thể nhanh suy yếu hơn bình thường.

Người lớn tuổi nên ăn sáng lúc 8h
Là bữa ăn đầu tiên trong ngày, bữa sáng đóng vai trò “đánh thức” hệ tiêu hóa, kích hoạt các cơ quan nội tạng và cung cấp năng lượng cho cả buổi sáng. Đặc biệt với người cao tuổi, ăn sáng đúng cách và đúng giờ càng trở nên quan trọng.
Nhiều người cao tuổi nghĩ rằng buổi sáng không ăn cũng không sao, thậm chí thấy nhẹ bụng, đỡ mệt. Nhưng thực tế, bỏ bữa sáng gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Buổi sáng dạ dày tiết nhiều axit, nếu không có thức ăn trung hòa, axit sẽ bào mòn niêm mạc dạ dày, lâu dần gây viêm loét.
Không ăn sáng khiến dịch mật không được tống ra ngoài đúng lúc, dễ dẫn đến sỏi mật hoặc polyp túi mật.
Nhịn ăn sáng làm tăng cảm giác đói vào buổi trưa và tối, dẫn đến ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, dầu mỡ, một yếu tố nguy cơ của béo phì và tiểu đường.

Không ăn sáng quá muộn
Nếu ăn sáng quá trễ (sau 9 giờ), các bữa ăn còn lại trong ngày cũng dễ bị xáo trộn. Bữa trưa vốn nên diễn ra từ 11h30 đến 13h có thể bị đẩy lùi, gây rối loạn đồng hồ sinh học.
Ngoài ra nhịn đói quá lâu vào buổi sáng dễ gây hạ đường huyết, chóng mặt, mệt mỏi. Ăn sáng muộn rồi chưa đầy 2 tiếng đã ăn trưa dễ khiến hệ tiêu hóa “quá tải”, gây khó tiêu, đầy bụng.
Buổi sáng không nên ăn gì?
Không phải món gì cũng phù hợp để ăn sáng. Một số thực phẩm nếu dùng vào thời điểm này không chỉ kém dinh dưỡng mà còn gây hại.
Đồ ngâm muối như dưa muối, cà muối chứa nhiều nitrit, không tốt cho dạ dày
Đồ hun khói, chiên rán nhiều chất béo bão hòa, khó tiêu hóa
Nước ngọt có gas gây đầy bụng, rối loạn đường huyết
Rượu, bia tuyệt đối không nên dùng vào buổi sáng
Nhiều người cao tuổi chỉ ăn cháo loãng hoặc uống sữa buổi sáng vì nghĩ dễ tiêu. Tuy nhiên, ăn sáng đơn điệu kéo dài dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.
Một bữa sáng lý tưởng nên gồm:
Chất đạm tốt: thịt nạc, trứng, sữa, đậu hũ…
Chất xơ và vitamin: từ rau xanh, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch…)
Tinh bột hợp lý: như cơm nắm, bánh mì, bún, phở, mì, bánh bao, bánh giò…
Bữa sáng không chỉ là “nạp nhiên liệu” cho ngày mới, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe lâu dài, từ nguy cơ bệnh tật cho đến tốc độ lão hóa.
Hãy ăn sáng trước 8 giờ, ăn đủ chất, ăn đúng cách đặc biệt khi đã có tuổi. Một bữa sáng tốt là khởi đầu cho một ngày khỏe mạnh, minh mẫn và đầy năng lượng.