Mặc dù hơn 1 tháng nữa mới đến Tết âm lịch nhưng bưởi Diễn cũng đã được bày bán rất nhiều. Bưởi Diễn nổi tiếng cả nước từ xưa với câu nói “cam Canh, bưởi Diễn”. Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bưởi Diễn bởi vị ngọt mát thanh khiết, mùi hương thơm đặc trưng. Đất Diễn là tên gọi của vùng đất thuộc xã Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Mâm cúng ngày Tết không thể thiếu bưởi. Sau những bữa ăn đủ đầy với thịt gà, giò chả, nem rán, bánh chưng,… muốn giải ngây, cứ ăn bưởi là nhất, vừa thanh mát, vừa hỗ trợ tiêu hóa chẳng lo đầy bụng. Có lẽ chính vì lẽ đó mà nhiều gia đình thường mua cả trăm quả bưởi để ăn dần hoặc đi biếu dịp Tết. Đừng quên lưu lại bộ bí kíp này để chọn được bưởi ngon!
Hình dáng, màu sắc
Bưởi Diễn có quả tròn, vỏ quả nhẵn, khi chín màu vàng cam, cầm nặng tay. Khối lượng trung bình từ 0,8 – 1kg. Quả bưởi ngon, chuẩn là những quả bóng, có màu vàng sậm, hoặc màu chín đỏ vàng.
Vỏ, mùi thơm
Lưu ý chọn quả chắc nặng, cuống nhỏ, vỏ mỏng, có rám nắng sẽ ngon và ngọt hơn nhiều so với quả vàng tươi và bưởi Diễn có mùi thơm rất đặc trưng.
Cách bảo quản để bưởi không bị mốc
Bảo quản bằng cách lau sạch, cho bưởi vào túi lưới, hoặc xếp bưởi trên một lớp cát đặt ở góc nhà khô thoáng. Không cho bưởi vào túi lưới khi thời tiết nồm. Đặc biệt, tuyệt đối không để bưởi vào tủ lạnh, tránh hư hỏng nhanh.
Cách để bưởi cúng vàng bóng, căng tròn không héo
Mâm ngũ quả ngày Tết phải có bưởi là điều tất cả chúng ta đều đã rõ, nhưng không phải ai cũng biết cách để trái bưởi trên mâm ngũ quả luôn có màu vàng bóng, vỏ không bị héo hoặc thâm.
Để bưởi trên mâm ngũ quả, mâm cúng hoặc ban thờ luôn vàng bóng, không héo, bạn hãy nhớ: Tuyệt đối không rửa bưởi với nước, chỉ nên dùng khăn ẩm lau quả bưởi nhẹ nhàng. Sau đó, thấm ướt khăn bằng rượu trắng và lau bưởi 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 phút.
Làm như vậy, đảm bảo đến hết ngày rằm tháng Giêng, bưởi trên mâm cúng vẫn căng tròn, vàng bóng.