Rắc rối của người quản lý ga tàu bắt đầu khi, trong một ca làm việc tại thành phố Visakhapatnam ở phía nam bang Andhra Pradesh, ông đã nói chuyện điện thoại với vợ mình mà không nêu tên người đó, Times of India đưa tin.
Kết thúc cuộc gọi trong sự bực bội, ông nói: “Chúng ta sẽ nói chuyện ở nhà, OK?”. Nhưng, vì micro làm việc đang bật, nên một đồng nghiệp đã nghe thấy câu nói đó, người này đã hiểu lầm đây là lệnh cho phép điều động một đoàn tàu chở hàng đi xuống đường ray hạn chế.
Lỗi này, mặc dù không gây ra tai nạn, đã vi phạm các hạn chế về ban đêm và gây thiệt hại tài chính đáng kể cho Đường sắt Ấn Độ, được báo cáo lên tới 30 triệu Rupee (350.000 USD).
Đối mặt với án treo vì sự bất cẩn, người quản lý nhà ga thấy cuộc hôn nhân vốn đã căng thẳng của mình càng thêm tan vỡ. Hôn nhân của người này đã gặp trục trặc trong nhiều năm, một phần là do mối quan hệ tình cảm dai dẳng của vợ ông với một người bạn đời cũ.
Cuộc gọi cãi vã gây hiểu lầm như “giọt nước tràn ly”, khiến người đàn ông phải đệ đơn ly hôn.
Đáp lại, vợ ông đã nộp đơn phản tố theo luật pháp Ấn Độ, cáo buộc ông và gia đình về tội tàn ác, quấy rối. Bà cũng chuyển đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu chuyển vụ ly hôn từ Visakhapatnam đến Durg ở tiểu bang lân cận Chhattisgarh, nơi gia đình bà cư trú.
Trong những năm tiếp theo, vụ án đã trải qua nhiều tòa án, với những lời buộc tội và cáo buộc về hành vi ngoại tình, đòi của hồi môn. Vụ việc cuối cùng được đưa đến Tòa án cấp cao Chhattisgarh, nơi đã xem xét bằng chứng và tuyên bố rằng cáo buộc quấy rối của người vợ là không có căn cứ.
Hội đồng xét xử gồm Thẩm phán Rajani Dubey và Thẩm phán Sanjay Kumar Jaiswal nhấn mạnh rằng việc người vợ liên tục liên lạc với người tình cũ và cuộc cãi vã dẫn đến vụ việc “OK” tốn kém này chính là hành vi tàn ác về mặt tinh thần đối với chồng bà.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Tòa án cấp cao đã hủy bỏ phán quyết trước đó của tòa án gia đình, cuối cùng chấp thuận cho người quản lý ga được ly hôn.