“Nhìn người khác xem, cái gì họ cũng tốt hơn con!”
Việc so sánh con cái với “con người ta” một cách mù quáng thực sự có thể gây tổn hại đến tâm hồn của trẻ. Nhà tâm lý học Susan Forward từng nói:
“Không đứa trẻ nào muốn thừa nhận rằng mình kém hơn những đứa trẻ khác, chúng luôn mong muốn nhận được sự khẳng định từ người lớn, và sự tự nhận thức về bản thân chúng phần lớn đến từ sự đánh giá của người lớn.”
“Những đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ chỉ trích, đánh giá thấp, thường cảm thấy tự ti, thiếu tự tin và có xu hướng phủ nhận chính mình. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và nhiều hành vi sai lầm.”
Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta vẫn thường nghe những lời so sánh như:
“Bạn bè con có thể đạt 10 điểm, sao con chỉ được 9 điểm?”
Mỗi đứa trẻ có một quá trình phát triển riêng biệt, và điều chúng ta cần làm là đồng hành cùng chúng bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy thay đổi cách nói của chúng ta để giúp trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn.
“Con là niềm hy vọng duy nhất của gia đình”
Đừng để những kỳ vọng của người lớn trở thành gánh nặng cho trẻ, đặc biệt là khi buộc trẻ phải “hứa hẹn” những điều mà người lớn mong muốn. Mặc dù kết quả học tập rất quan trọng, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công trong cuộc sống. Sự kiên cường, thái độ lạc quan, và trái tim nhân hậu, biết đồng cảm mới là những yếu tố cốt lõi giúp trẻ trưởng thành và thành công trong tương lai.
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, khiến cuộc sống của chúng bị đè nặng bởi tham vọng và sự cầu toàn của người lớn. Chính những kỳ vọng này khiến họ quên mất việc lắng nghe con mình, không tìm hiểu xem con thích gì và khả năng thực sự của chúng ra sao.
Thay vì áp đặt, các bậc phụ huynh có thể khích lệ và động viên con: “Bố mẹ tin con sẽ làm được, bố mẹ hiểu con mà.” “Bố mẹ hy vọng con sẽ đưa ra quyết định có trách nhiệm. Đây là ý kiến của bố mẹ, con hãy suy nghĩ và chọn lựa quyết định tốt nhất cho mình. Bố mẹ luôn ủng hộ mọi quyết định của con.”
“Nếu trượt đại học, con sẽ chẳng có tương lai”
Việc vào đại học thực sự quan trọng và có thể là một bước ngoặt trong cuộc đời, vì vậy nhiều bậc phụ huynh thường nhấn mạnh kỳ vọng để tạo động lực cho con cái trong kỳ thi. Tuy nhiên, cha mẹ cũng hiểu rằng thành công không thể chỉ đo bằng tấm bằng đại học.
Nếu con không đỗ, đó không phải là kết thúc, mà là cơ hội để tìm ra những con đường khác phù hợp hơn. Các bậc phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý cho con, giúp trẻ hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc sống, và quan trọng là biết học hỏi từ nó.
Cha mẹ có thể nói: “Đại học không phải là con đường duy nhất, còn rất nhiều cơ hội khác để con khám phá và phát triển.”
“Bố mẹ xấu hổ vì con”
Khi trẻ mắc lỗi và nhận ra sai lầm của mình, cha mẹ không nên tiếp tục nhấn mạnh những sai sót đó. Thay vào đó, phụ huynh cần giúp con giải quyết vấn đề, chứ không phải đổ lỗi hay trút những cảm xúc tiêu cực lên con. Đôi khi, nhiều bậc phụ huynh coi con cái như những đứa trẻ mãi chưa trưởng thành, không coi chúng là bạn để có thể lắng nghe và thấu hiểu.
Nếu con không làm theo ý muốn của cha mẹ, thay vì chỉ trích, hãy ngồi lại, bình tĩnh trò chuyện và giải thích để con cảm thấy được hiểu và hỗ trợ. Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết nếu cha mẹ biết cách đồng hành và chia sẻ.