Đậu bắp là một loại thực phẩm bổ dưỡng, dễ ăn và khá quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Với những ai còn mơ hồ về loại đậu này, không hiểu rõ những lợi ích cũng như một số tác hại của đậu bắp khi sử dụng sai cách thì hãy cùng Phunuvagiadinh theo dõi bài viết dưới đây!
Đôi nét về đậu bắp
Đậu bắp có nhiều tên gọi khác như bông vàng, mướp tây, bắp chà,…. Đây là loài cây có nguồn gốc từ Tây Phi, có khả năng chịu được sức nóng và khô hạn cực tốt, chủ yếu được gieo trồng ở vùng nhiệt đới hoặc ôn đới, phổ biến nhất là miền Nam Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, đậu bắp được trồng nhiều nơi và tập trung nhất là ở các tỉnh phía Nam.
Cây đậu bắp cao tới 2,5m. Lá dài, rộng khoảng 10-20cm, xẻ thùy chân vịt 5-7 thùy. Đường kính của hoa từ 4-8cm, có 5 cánh hoa màu trắng hoặc vàng, thường có các đốm đỏ hoặc tím tại phần gốc ở mỗi cánh hoa. Quả có dạng nang dài tới 20cm, chứa nhiều hạt.
Công dụng của đậu bắp
Chữa táo bón
Đậu bắp chứa nhiều chất xơ. Hàm lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp tương đương với 10% chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày. Do đó, đậu bắp sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, vitamin A có trong đậu bắp còn góp phần giúp màng nhầy trong ruột kết thực hiện chức năng của chúng được tốt hơn, cụ thể là đại tiện dễ dàng hơn.
Làm trắng, mịn da
Lượng vitamin C và vitamin K trong đậu bắp giúp cho làn da luôn tươi trẻ và khỏe mạnh. Các vitamin khác trong đậu bắp còn hỗ trợ quá trình tăng trưởng và sửa chữa các mô bên trong cơ thể, thúc đẩy sản sinh collagen và các sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da.
Giảm cân
Đậu bắp chứa nhiều chất xơ, ít calo, rất phù hợp với những người muốn lấy lại vóc dáng thon gọn. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng tuyệt đối không nên ăn đậu bắp thường xuyên.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Theo một số nghiên cứu, các sợi của đậu bắp có khả năng ổn định lượng đường trong máu, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và duy trì sự cân bằng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả mang tính thời điểm chứ không chữa trị được dứt điểm.
Hỗ trợ sức khỏe sinh sản
Đậu bắp giàu folate, do đó bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống trước khi muốn thụ thai bởi nó làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Việc ăn nhiều folate trong thai kỳ sẽ giúp cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.
Cải thiện thị lực
Đậu bắp chứa nhiều vitamin C và vitamin A giúp tăng cường thị lực đồng thời phòng ngừa các bệnh về mắt.
Làm đẹp tóc
Bạn chỉ cần cắt đậu bắp thành các miếng nhỏ, đun sôi trong nước khoảng 10 phút rồi mở nắp cho nguội. Thêm 1 thìa cà phê nước cốt chanh vào nước luộc đậu bắp rồi thoa lên tóc, 15 phút sau thì gội lại đầu với nước sạch. Chất nhầy và các dưỡng chất trong đậu bắp khi kết hợp với nước chanh sẽ giúp mái tóc của bạn trở nên chắc khỏe, bóng mượt hơn.
Cải thiện sinh dục nam
Theo nghiên cứu, đậu bắp có chứa glucid phức polysaccharide và một số thành phần dinh dưỡng khác giúp tăng cường dòng máu chảy vào bộ phận sinh dục, kích thích sự cương cứng cho phái mạnh.
Tốt cho xương
Đậu bắp giàu vitamin K và folate, giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
Tác hại của đậu bắp có thể bạn chưa biết
Dưới đây là một số đối tượng nên tránh ăn đậu bắp, nếu không sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Người có vấn đề về đường ruột
Đậu bắp có tác hại gì? Đậu bắp chứa nhiều fructan, là dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi với các bệnh nhân có vấn đề về đường ruột. Đặc biệt, với những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích hay các bệnh đường ruột khác rất dễ nhạy cảm với các loại thực phẩm giàu fructan như đậu bắp.
Người bị viêm khớp, đau khớp
Đậu bắp chứa solanine có liên quan đến viêm khớp, đau khớp. Solanine còn có mặt trong khoai tây, cà tím, cà chua, atiso và dâu tây.
Bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu
Việc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin K sẽ gây tác dụng ngược với các bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin (thuốc ngăn ngừa sự kết tụ huyết khối gây tắc nghẽn đường dẫn máu lên não hoặc vào tim). Vitamin K còn được xem là trợ thủ cho việc hình thành huyết khối, làm tắc nghẽn đường truyền máu tới tim hoặc não, vô cùng nguy hiểm.
Người bị sỏi thận
Tác hại của quả đậu bắp với người bị sỏi thận là do hàm lượng oxalate cao dễ tạo sỏi ở dạng calcium oxalate.
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã biết được công dụng và tác hại của đậu bắp đối với sức khỏe con người như thế nào. Mong rằng qua bài viết, bạn sẽ biết cách sử dụng đậu bắp hợp lý.