Theo Kết quả điều tra Quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2021 của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính 20,2 triệu người Việt trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp với tỷ lệ 26,2% dân số. Trong số này, có tới khoảng 60% chưa được phát hiện và gần 70% chưa được điều trị.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến cố tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Sự gia tăng căn bệnh này trong cộng đồng thời gian qua trở thành một vấn đề sức khoẻ đáng quan tâm.
Ai dễ bị tăng huyết áp?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp được chia thành 2 nhóm chính.
Nhóm thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền… Thông thường, nguy cơ mắc cao huyết áp thường cao hơn ở những người lớn tuổi, là nam giới hoặc có thành viên trong gia đình cũng mắc bệnh.
Nhóm gây bệnh cao huyết áp thứ hai là những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như thói quen sinh hoạt, vận động… Những thói quen này bao gồm hút thuốc, ít vận động dẫn đến thừa cân, béo phì, ăn mặn, ăn ít rau, trái cây.
Ngoài ra, những người thường xuyên căng thẳng, uống nhiều rượu bia hoặc có các bệnh lý như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cũng có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp.
Tăng huyết áp như “kẻ giết người thầm lặng”, bởi nó không có biểu hiện cụ thể. Tuy nhiên, khi đã phát triệu chứng, người bệnh có thể đã tiến triển đến giai đoạn biến chứng hoặc đã phát sinh thêm nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nếu không phát hiện sớm, để lâu không điều trị hoặc không kiểm soát được huyết áp, bệnh có thể sẽ dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình và bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ, rối loạn cương dương…
Gánh nặng bệnh tật mới thời hiện đại
Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mạn. Vì vậy, để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, mọi người nên theo dõi huyết áp thường xuyên và đi khám định kỳ mỗi năm/lần.
Nếu liên tục ghi nhận tình trạng tâm thu trên 140 mmHg, huyết áp tâm trương trên 90 mmHg, mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và cho thuốc điều trị.
Theo các bác sĩ khoa Khám bệnh cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, mọi người cần thay đổi để có lối sống và thói quen ăn uống khoa học.
– Giảm cân
Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng lên. Người thừa cân hoặc béo phì dù chỉ giảm một lượng nhỏ cân nặng cũng có thể giúp giảm huyết áp.
Thừa cân cũng có thể gây ra gián đoạn hô hấp khi người bệnh ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng huyết áp hơn nữa. Do đó, giảm cân là một trong những cách thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp.
– Tập thể dục 30 phút/ngày với tần suất 5 ngày/tuần
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5-8 mm Hg. Điều quan trọng là mọi người cần tiếp tục tập thể dục để giữ huyết áp không tăng trở lại. Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn.
– Có chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa ít béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao.
– Giảm muối
Việc giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp khoảng 5-6 mm Hg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị người lớn tốt nhất chỉ nên ăn dưới 1,5 g muối/ngày và không quá 2,3 g muối/ngày.
– Hạn chế rượu bia
Uống nhiều rượu bia làm tăng huyết áp theo thời gian, gây ra nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim) và làm suy tim. Ngoài ra, rượu có thể làm tăng chất béo trung tính trong máu, gây thừa cân và béo phì. Đối với người bệnh đang dùng thuốc để điều trị huyết áp cao, rượu có thể cản trở hiệu quả của thuốc và còn làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ.
Do đó, mọi người chỉ nên uống ít hơn 3 đơn vị cồn/ngày đối với nam và ít hơn 2 đơn vị cồn/ngày đối với nữ. Một tuần, nam giới chỉ nên uốn ít hơn 14 đơn vị cồn. Con số này đối với nữ giới là ít hơn 9 đơn vị/tuần. Một đơn vị cồn tương đường với 10 g ethanol, bằng 330 ml bia, 120 ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh.
– Bỏ thuốc lá
Ngừng hút thuốc không chỉ giúp giảm huyết áp mà còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, từ đó kéo dài tuổi thọ.
– Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ kém, ngủ ít hơn 6 giờ/đêm trong vài tuần có thể góp phần làm tăng huyết áp.
– Giảm căng thẳng
Căng thẳng cảm xúc trong thời gian dài có thể góp phần làm tăng huyết áp.