Thứ bảy, Tháng Một 11, 2025
spot_img
HomeKhỏe ĐẹpBảo hiểm sẽ chi trả 100% cho người ghép thận

Bảo hiểm sẽ chi trả 100% cho người ghép thận


Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lần đầu thực hiện ca chia gan để ghép. Ảnh: BVCC






Những tháng cuối năm, nhiều ca hiến tạng và ghép tạng đã được thực hiện tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân.

Điển hình là trường hợp một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được chẩn đoán chết não tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Trước đó, người này đã bày tỏ nguyện vọng hiến mô tạng. Sau khi rà soát, các bác sĩ xác định có 2 bệnh nhân phù hợp chờ ghép gan: một bệnh nhân 53 tuổi và một bé gái 1 tuổi. Lá gan của người hiến được chia thành hai phần và ghép thành công cho cả hai người nhận.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, một trường hợp khác được ghi nhận với bệnh nhân nam 18 tuổi, bị chấn thương sọ não, chẩn đoán chết não, không thể hồi phục. Sau khi được vận động, gia đình đã đồng ý hiến tạng. 7 đơn vị tạng của người hiến đã được vận chuyển đến các bệnh viện tại ba miền đất nước, giúp cứu sống nhiều người bệnh đang chờ ghép tạng.

Những nghĩa cử cao đẹp này không chỉ mang lại sự sống cho người nhận tạng mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn về sự sẻ chia và hiến dâng vì cộng đồng

Khuyến khích người dân đăng ký hiến tạng

Tại Hội thảo truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng nhân “Tuần lễ vàng hiến tặng mô, tạng” tại TP.HCM do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/12, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết Việt Nam là quốc gia có số ca ghép tạng cao nhất khu vực Châu Á, với hơn 1.000 ca ghép mỗi năm.

Mặc dù kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đạt trình độ cao, nguồn tạng chủ yếu vẫn đến từ những người hiến tặng còn sống. Trong khi đó, các nước phát triển thường dựa vào nguồn tạng từ người chết não, và điều này là một hướng đi mà chúng ta cần hướng tới trong tương lai.

Tại TP.HCM, nguồn tạng từ người hiến tặng đã góp phần quan trọng vào việc ghép tạng thành công trên cả nước. Đặc biệt, kỹ thuật chia gan tại Việt Nam đang rất thành công, cho phép một phần gan của người hiến tặng có thể được chia làm hai để ghép cho hai bệnh nhân.

PGS Tiến khuyến khích mọi người đăng ký hiến tạng và hiến tặng sau khi qua đời, vì hành động này không chỉ mang lại cơ hội sống cho người khác mà còn để lại dấu ấn tốt đẹp, trường tồn mãi mãi.

 

Cùng ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ do PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM làm chi hội trưởng.

PGS Bắc cho hay, mỗi năm nước ta ghép thận được khoảng 1.000 ca, 100 ca ghép gan, đến nay có 90 ca ghép tim và hàng chục ca ghép các bộ phận khác. Để đạt được con số này, ngành ghép tạng của Việt Nam đã cố gắng không ngừng.

“Trong thời gian tới, tôi vọng số ca ghép tạng sẽ tăng lên, xây dựng được mạng lưới hiến mô tạng. Các đơn vị liên kết với nhau chia sẻ nguồn lực, xây dựng quy trình để hiến tạng công khai minh bạch, rõ ràng được xã hội đánh giá và công nhận”, PGS Bắc nói.

Đề xuất cho phép tử tù đăng ký hiến tạng

Theo PGS Kim Tiến, bên cạnh vận động hiến mô tạng, phải vận động để giảm bớt người cần phải ghép tạng. Tức giảm bớt người có nhu cầu ghép tạng, nâng cao sức khoẻ người dân.

“Khi chúng ta sống khoẻ hơn, những người đăng ký hiến tạng qua đời lúc lớn tuổi, sẽ có khả năng lấy được tạng và có thể dùng được”, PGS Tiến cho hay.

Quy định về hiến tạng ở các nước có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Tại châu Âu và Mỹ, không cần thủ tục đăng ký phức tạp, mà theo nguyên tắc mặc định công dân đồng ý hiến tạng sau khi qua đời, trừ những trường hợp đặc biệt.

Ở một số quốc gia, việc hiến tạng có thể thực hiện chỉ cần sự đồng ý của gia đình, trong khi một số khác không yêu cầu ý kiến từ người thân. Đặc biệt, nhiều quốc gia sử dụng ký hiệu đồng ý hiến tạng trên bằng lái xe để xác nhận ý nguyện của người đã khuất. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hiến và ghép tạng, góp phần cứu sống nhiều người bệnh cần ghép tạng mỗi năm.

 

Ở nhiều quốc gia, quy định về hiến tạng đã mở rộng bao gồm cả trường hợp chết não và chết tim, nhằm tăng cường nguồn tạng hiến. Tại Mỹ, tử tù và tù nhân được phép đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, giúp gia tăng đáng kể nguồn cung tạng hiến.

Tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ Công an cũng đã đề xuất cho phép tử tù được đăng ký hiến tạng, mở ra một hướng đi mới trong việc nâng cao nguồn tạng hiến. Đồng thời, việc ghép mô, tạng từ người nhiễm HIV cho người nhiễm HIV cũng đã được xem xét như một giải pháp đầy nhân văn để tối ưu hóa nguồn tạng.

Ở nhiều nước, chi phí ghép tạng được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại thường do người dân hoặc các quỹ cộng đồng hỗ trợ, giúp giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân.

“Tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội trong thời gian tới sẽ thanh toán 100% cho ghép thận”, PGS Tiến thông tin.

Theo thống kê của bảo hiểm xã hội, ghép tạng có chi phí thấp hơn điều trị nội khoa. Ví dụ, chi phí ghép thận và sau điều trị chỉ bằng nửa mức điều trị hàng ngày lúc bệnh nhân chạy thận. Cuộc sống của người được ghép thận kéo dài hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Đến nay, Việt Nam có nhiều bệnh viện đủ điều kiện ghép tạng và tăng dần, khoảng 28 bệnh viện.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments