Bác sĩ ơi em bị bệnh viêm xoang nhiều năm nay, điều trị theo đơn của bệnh viện nhưng không hết hẳn, mỗi khi thay đổi thời tiết rất khó chịu. Bác sĩ cho hỏi bệnh viêm xoang có thể trị dứt điểm được không ạ? (Huỳnh Thị Giang, Quảng Bình)
Trả lời
Bệnh viêm xoang là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm hoặc phản ứng dị ứng của cơ thể.
Viêm xoang do nhiễm virus hoặc phản ứng dị ứng, cần cải thiện dẫn lưu mũi là ưu tiên hàng đầu để giúp làm sạch và chống bội nhiễm thành nhiễm khuẩn: khí dung mũi, rửa xoang mũi bằng dung dịch nóng ẩm, đồ ăn nóng…
Trong trường hợp nghẹt mũi quá nhiều có thể sử dụng thuốc co mạch trong thời gian ngắn đến khi vấn đề tắc nghẽn được giải quyết. Tránh xa các tác nhân gây dị ứng cũng là vấn đề cần lưu ý ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
Khi được bác sĩ chẩn đoán viêm xoang do vi khuẩn, ngoài các biện pháp nêu trên, các bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh phù hợp để điều trị. Việc này vô cùng quan trọng và cần được chọn lọc để có phương án tốt nhất, tránh hiện tượng kháng kháng sinh hoặc dị ứng kháng sinh gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Đối với các vấn đề viêm xoang do nhiễm khuẩn mà điều trị không cải thiện sau 3-5 ngày hoặc có dấu hiệu trầm trọng hơn, cần chụp CT hoặc MRI để đánh giá mức độ hoặc các vấn đề khác nếu có nhằm kịp thời can thiệp, tránh các biến chứng nặng nề lên các cơ quan lân cận như tai giữa, mắt…
Với các tình trạng như vẹo vách ngăn, dị dạng cuốn mũi giữa hoặc dưới, có polype mũi gây ra tắc nghẽn, hoặc nấm xoang cần sớm phát hiện để cân nhắc việc can thiệp phẫu thuật nhằm tái dẫn lưu hốc mũi xoang trả lại cấu trúc sinh lý bình thường cho bệnh nhân.
Một số sai lầm thường gặp khi điều trị bệnh viêm xoang:
– Tự ý mua thuốc điều trị: Nhiều người khi bị viêm xoang đã tự ý mua thuốc về uống mà không có chỉ định của bác sĩ. Đây là một sai lầm nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng dùng thuốc sai, gây ra các tác dụng phụ hoặc biến chứng.
– Lạm dụng thuốc xịt mũi co mạch: Thuốc xịt mũi co mạch có thể giúp giảm nghẹt mũi tạm thời, nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi nặng hơn khi hết thuốc.
– Rửa mũi quá nhiều: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là một cách hiệu quả để giúp loại bỏ chất nhầy và giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, nếu rửa mũi quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên tồi tệ hơn.
– Bỏ qua việc điều trị: Một số người có thể chủ quan và bỏ qua việc điều trị viêm xoang. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn.
Bác sĩ chuyên khoa II LÊ HUY HIẾU