Ngày 28/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ca tử vong thứ 3 do mắc biến chứng nặng của sởi và nhiều bệnh nền khác.
Trường hợp tử vong là H.M.N. (26 tuổi) ngụ tại xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhân N. mắc hội chứng Down, tim thông liên thất, vảy nến từ nhỏ. Trước đó, người bệnh chưa được tiêm các loại vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine bệnh sởi.
Ngày 1/12, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho nên được người thân cho uống thuốc và theo dõi tại nhà. Hai ngày sau, các triệu chứng diễn tiến nặng, người bệnh được đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Ngày 4/12, bệnh nhân có kết quả dương tính với sởi. Thấy bệnh nhân tiên lượng nặng, ngày 5/12, người nhà đã xin cho bệnh nhân về nhà. Thời điểm ra viện, bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng từ phổi, theo dõi sởi bội nhiễm, vảy nến và hội chứng Down. Đến trưa cùng ngày, bệnh nhân tử vong.
Sau khi ghi nhận trường hợp trên, các cơ quan y tế địa phương đã tiến hành khử trùng khu vực nhà bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến các trạm y tế gần nhất để tiêm phòng.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Trong đó, Đồng Nai là một trong những địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước. Tính đến ngày 28/12, địa phương này đã ghi nhận khoảng 6.400 ca mắc sởi và 3 ca tử vong.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, làm phát tán các giọt bắn chứa virus ra môi trường.
Khi mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc các biến chứng bao gồm:
– Biến chứng đường hô hấp:
- Viêm tai giữa: thường gặp ở trẻ nhỏ
- Viêm thanh quản: có triệu chứng của viêm thanh quản hoặc có khó thở thanh quản cấp
- Viêm phổi có thể tiên phát do virus sởi hoặc thứ phát do bội nhiễm vi khuẩn
– Biến chứng tiêu hóa: Tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng.
– Biến chứng thần kinh: Khô, loét giác mạc, thậm chí có thể viêm não tủy và dẫn đến đe dọa tính mạng
– Các biến chứng hiếm gặp khác:
- Viêm cơ tim
- Viêm đài bể thận, xuất huyết giảm tiểu cầu
- Bệnh lao: do có sẵn, hoặc xuất hiện ở những người suy giảm miễn dịch