Thời gian trước, một người nông dân không biết chữ ở Trung Quốc bỗng trở nên nổi tiếng vì có 2 người con đều đỗ đại học top đầu cả nước. Con gái lớn đỗ Đại học Thanh Hoa, con trai nhỏ đỗ Đại học Bắc Kinh.
Khi được hỏi bí quyết nuôi dạy con là gì, ông bố này thành thật trả lời: “Tôi không có học thức cho lắm, và thực ra tôi cũng không có mánh khóe dạy con nào cả. Chỉ là tôi để các con… dạy tôi”.
Ông bố cho biết, bản thân vốn được sinh ra trong một gia đình rất nghèo nên từ nhỏ chưa từng được đến trường. Thế nên ông đương nhiên không có học vấn để dạy con. Tuy nhiên ông bố này không thể để con mải chơi được nên đã nghĩ ra một cách. Hàng ngày khi các con đi học về, ông sẽ yêu cầu các con kể lại những gì được học ở trường và dạy lại cho bố.
Nếu có chỗ nào các con chưa hiểu thì mai đến lớp hỏi lại giáo viên để về nhà lại dạy cho bố. Bằng cách này, 2 người con vừa là học sinh, vừa là “giáo viên”, có nhiều động lực học tập hơn hẳn. Ngay cả khi nhìn những đứa trẻ khác vui chơi cả ngày bên ngoài thì các con ông cũng không bị ảnh hưởng. Các em cố gắng học tập để có thể chia sẻ lại kiến thức cho bố.
Dần dần, kết quả học tập của những đứa trẻ ngày được cải thiện. Điểm số từ tiểu học đến trung học chỉ có tăng chứ không giảm và kết quả là đỗ vào Thanh Hoa, Bắc Đại.
Cách dạy con “ngược đời” của ông bố nông dân này đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải tấm tắc ngợi khen. Sở dĩ nhiều đứa trẻ học mãi cũng không vào là bởi vì các em quá lười suy nghĩ, không có khả năng tự học. Các em ở trường thì nghe theo giáo viên, về nhà thì nghe theo sự giáo dục của cha mẹ. Trong khi đó, cha mẹ thông minh nên tạo cơ hội học tập cho con cái, kích thích tư duy tích của con và loại bỏ tư duy lười biếng.
Trên thực tế, cách giáo dục tốt nhất của cha mẹ không phải là giám sát mà là đồng hành. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc giám sát con hoàn thành bài tập về nhà hàng ngày là họ có trách nhiệm với con mình. Thực tế, từ góc độ nhìn nhận của trẻ, sự giám sát sẽ khiến trẻ nhàm chán, cảm thấy việc làm bài tập là gánh nặng, chứ không phải là rèn luyện để trau dồi chắc kiến thức.
Hãy đừng suốt ngày kè kè giục con làm bài và ngồi bên cạnh chỉnh từng ly từng tí, quát mắng khi con làm sai, thay vào đó cha mẹ cần tìm ra cách giúp con trở nên tò mò với tri thức, thực lòng muốn tìm hiểu, thay vì tiếp nhận tri thức theo kiểu cưỡng ép, giống như cách làm của ông bố nông dân trong câu chuyện trên.