Tại dự thảo báo cáo Thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam mới đây, Bộ Y tế cho biết hiện nay, mô hình sinh của Việt Nam đã chuyển dịch mức sinh cao nhất ở nhóm tuổi từ 20-24 sang nhóm tuổi từ 25-29.
Giới trẻ ngày càng lười cưới, ngại sinh
“Điều này cho thấy xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao và có xu hướng lan rộng” – báo cáo của Bộ Y tế nêu.
Qua đó, Bộ Y tế đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuổi kết hôn tăng, tỉ lệ kết hôn giảm và độ tuổi sinh con muộn.
Đầu tiên là do điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao. Những người trẻ, các cặp vợ chồng có nhu cầu phát triển sự nghiệp, tìm kiếm việc làm tốt để có thu nhập và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đồng thời họ cũng có nhu cầu tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn.
Thứ hai, sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao.
Tiếp theo là do các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, dù đã được quan tâm song vẫn còn nhiều hạn chế.
Cuối cùng là tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh có xu hướng tăng cũng tác động đến việc không thể sinh con.
“Những yếu tố nêu trên đang cùng lúc tác động đến lựa chọn kết hôn và sinh con của người trẻ, dẫn đến sự xuất hiện của xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con khiến mức sinh xuống thấp” – Bộ Y tế nêu trong dự thảo báo cáo.
Từ đó, Bộ Y tế chỉ ra rằng mức sinh thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới cơ cấu dân số, để lại nhiều hệ lụy như suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hoá dân số và gia tăng các dòng di cư.
Những hệ luỵ này sẽ làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng, tác động đến ổn định xã hội và phát triển đất nước.
Thêm chính sách khuyến khích duy trì mức sinh thay thế
Bộ Y tế cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh thành cùng các bộ, ngành đã có nhiều văn bản, kế hoạch về giải pháp ứng phó với mức sinh thấp.
Để xử lý căn cơ, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Dân số với một trong những chính sách cơ bản của Luật là “duy trì mức sinh thay thế”, sẽ báo cáo Chính phủ tháng 12-2024, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025.
Trước đó, tháng 5-2024, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số.
Nội dung dự kiến tập trung vào quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số.
Bộ Y tế đang xây dựng đề án trình Chính phủ liên quan đến các biện pháp, chính sách hỗ trợ, khuyến khích duy trì mức sinh thay thế, phù hợp với từng địa phương, đối tượng.
Trước đó, tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong dự án Luật Dân số hồi tháng 8-2024, GS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khoá XV, đã có bài trình bày với chủ đề “Phát triển bền vững của dân số Việt Nam giai đoạn 2023-2050: Nguy cơ, thời cơ và giải pháp đồng bộ”.
Trong đó, GS Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 11 giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc.
Bộ Y tế cho biết các giải pháp này hiện đang được nghiên cứu, tiếp thu để đưa vào dự thảo Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn khác. Cạnh đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cùng nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả.
11 giải pháp phát triển dân số
11 giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc của GS Nguyễn Thiện Nhân gồm:
1. Để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (cha mẹ và 2 người con). Như vậy, cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người.
2. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần), để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
3. Cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được.
4. Điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con; không tạo ra xung đột giữa việc làm và kết hôn, có con.
5. Cần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển ngay cả khi sau sinh và con còn nhỏ.
6. Chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự.
7. Xây dựng môi trường xã hội thân thiện với trẻ em, người mẹ và gia đình, thể hiện sự trân trọng của xã hội với những người làm tròn trách nhiệm công dân để đất nước phát triển bền vững về lao động và dân số.
8. Cần dạy về làm vợ, làm chồng hạnh phúc, làm cha mẹ hạnh phúc và xây dựng gia đình hạnh phúc từ bậc học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp; cần dạy môn Hạnh phúc học của người Việt Nam ở các bậc học; xây dựng báo cáo về chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam và công bố 2 năm/lần.
9. Cần phát huy truyền thống văn hoá của người Việt Nam, sáng kiến cộng đồng địa phương để kết hôn và sinh con đem lại hạnh phúc không thể thay thế cho đời người, là niềm tự hào khi làm tròn trách nhiệm công dân.
10. Nhà nước có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con.
11. Các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con; phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản.