Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024
spot_img
HomeKhỏe ĐẹpCách 'sống chung' với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Cách ‘sống chung’ với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính


COPD một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Ảnh: Shutterstock.






Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là một bệnh mạn tính, có thể điều trị được nhưng không thể khỏi hoàn toàn.

Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, đặc biệt trong các đợt cấp của bệnh (đỡ khó thở, đỡ ho khạc đờm, đờm về màu trắng, hết sốt), giảm nguy cơ tiến triển, tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện Điều trị cán bộ cao cấp Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, những người mắc COPD nên thay đổi lối sống và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Dưới đây là một số chiến lược giúp người bệnh chung sống hòa bình với COPD:

Bỏ thuốc lá, thuốc lào

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây COPD và tăng nguy cơ gây ung thư phổi, các bệnh lý tim mạch. Bỏ thuốc lá, thuốc lào được coi là biện pháp điều trị đơn giản và có hiệu quả nhất.

Bỏ hút thuốc không thể làm bệnh nhân khỏi bệnh nhưng sẽ làm tăng hiệu quả các thuốc điều trị, giảm triệu chứng, tần suất đợt cấp và giúp bệnh giảm tiến triển.

Tuân thủ sử dụng thuốc dự phòng

Sau khi điều trị ổn định đợt cấp của COPD, điều trị duy trì tại nhà đóng vai trò rất quan trọng. Đơn thuốc bác sĩ kê cho người bệnh gồm các loại thuốc uống hoặc thuốc hít, thuốc xịt. Bản chất là các thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài, có thể kết hợp với thành phần corticoid dạng phun hít hoặc không.

Người bệnh cần duy trì đều đặn và đúng thao tác sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh nên thường xuyên đánh giá, trao đổi với bác sĩ về cách dùng đúng của các dụng cụ, những tác dụng phụ gặp phải, khó khăn khi sử dụng. Bệnh nhân tuyệt đối không thay đổi liều thuốc.

Ăn uống khoa học lành mạnh

Dinh dưỡng là vấn đề rất được quan tâm với người bệnh mắc COPD. Hậu quả của suy dinh dưỡng là làm giảm tính đàn hồi của phổi và chức năng hô hấp; giảm khối lượng, sức cơ của cơ hô hấp; thay đổi cơ chế miễn dịch tại phổi; dễ nhiễm trùng tại phổi.

Khoảng 25-40% bệnh nhân COPD có cân nặng thấp hơn bình thường và khoảng 25% sút cân vừa đến nặng. Vì vậy, người bệnh COPD cần được bổ sung đầy đủ calo từ đạm, mỡ, chất đường bột nếu như không bị hạn chế do bệnh đồng mắc khác như suy thận, tăng huyết áp hay đái tháo đường.

Tuy nhiên, người bệnh có tăng khí Carbonic (CO2) trong máu không nên ăn quá nhiều chất đường bột. Bởi các sản phẩn chuyển hóa của loại thức ăn này có thể làm tăng loại khí này trong máu.

Bên cạnh đó, bạn nên tăng cường ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin (đặc biệt vitamin E, vitamin C), khoáng chất từ rau củ quả đa màu sắc, đa chủng loại. Người bệnh có khó thở nên chia nhỏ bữa ăn, tránh để dạ dày chèn ép cơ hoành.

Những thực phẩm gây đầy bụng nên tránh như bắp cải, bông cải (trắng, xanh), củ cải, dưa cải, cà muối, hành tây, dưa leo. Hãy hạn chế tình trạng táo bón bằng việc ăn nhiều chất xơ, vì người bệnh phải rặn có thể khởi phát đợt cấp.

Tiêm chủng

Tiêm phòng là biện pháp dự phòng quan trọng nhằm giảm nguy cơ mắc đợt cấp. Mắc cúm hoặc viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây đợt cấp COPD. Vì vậy, người bệnh cần được tiêm phòng cúm mỗi năm một lần vào đầu mùa thu, vaccine phòng phế cầu khuẩn 5 năm một lần.

 

Vận động

Người bệnh cần được tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, tập thể dục tùy theo tình trạng sức khỏe, nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bạn nên gia tăng các hoạt động thể chất bằng các biện pháp như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, tập thở cơ hoành.

Kỹ thuật thở hoành được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng cổ và vai.
  • Bước 2: Đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực.
  • Bước 3: Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển.
  • Bước 4: Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Bệnh nhân nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Sau khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế nằm hoặc ngồi, nên tập thở cơ hoành khi đứng, khi đi bộ và cả khi làm việc nhà.

Giữ môi trường trong lành

Bệnh nhân cần chú ý cải thiện môi trường sống, tránh tiếp xúc với khói bụi. Đây là một nguyên nhân gây đợt cấp, đặc biệt khi chuyển mùa, kích thích trực tiếp vào đường hô hấp.

Để chung sống hoà bình với COPD, người bệnh cần có lối sống lành mạnh, sự hỗ trợ từ gia đình và việc tuân thủ điều trị theo hướng dẫn. Việc hiểu rõ bệnh, biết cách chăm sóc bản thân và duy trì tinh thần lạc quan chính là chìa khóa giúp người bệnh sống chất lượng và ý nghĩa hơn.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments