Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹCăn bệnh trẻ nhỏ hễ mắc là phải nhập viện, bác sĩ...

Căn bệnh trẻ nhỏ hễ mắc là phải nhập viện, bác sĩ cảnh báo thói quen dùng điều hòa bố mẹ cần thay đổi


Vì sao trẻ dễ bị viêm phổi trong mùa hè?

Khi thời tiết nắng nóng, trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 18 tháng tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhất. Trong đó, các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp có tỉ lệ mắc cao hơn cả, và trong nhiều trường hợp liên quan đến thói quen chăm sóc từ người lớn.

Trong số các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh viêm đường hô hấp dưới, nhất là viêm phổi rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các chuyên gia khuyến cáo, với các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan có thể theo dõi, điều trị tại nhà theo tư vấn của bác sĩ. Tuy nhiên, với bệnh viêm phổi, nếu trẻ mắc cần đưa đến viện ngay để tránh biến chứng.

 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam cho biết, mùa hè thời tiết oi bức làm giảm sức đề kháng của trẻ, từ đó khiến nguy cơ trẻ mắc bệnh, nhất là bệnh đường hô hấp gia tăng. Ngoài ra, việc phụ huynh sử dụng quạt, điều hòa làm mát sai cách cho con cũng là yếu tố nguy cơ khiến nhiều trẻ mắc bệnh về đường hô hấp.

Theo bác sĩ Dũng, điều hòa hay quạt có tác dụng làm mát không khí, giảm sự khó chịu cơ thể khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa không đúng cách khiến gió lạnh thổi thốc kéo dài trong nhiều giờ, có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ nóng – lạnh giữa ngoài trời và bên trong phòng có điều hòa cũng là nguyên nhân dẫn tới trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Không chỉ vậy, nhiều gia đình còn chủ quan, không vệ sinh máy lạnh trước khi sử dụng, nhất là các gia đình ở chung cư, nghĩ rằng ở tầng cao máy sạch nên nóng là mở. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đây là ổ trú ngụ của vi khuẩn, nấm mốc, khi bật máy lạnh, vi khuẩn sẽ thoát ra ngoài và xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, từ đó gây bệnh cho trẻ.

Việc sử dụng điều hòa sai cách sẽ khiến trẻ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ hô hấp. Ảnh minh họa.

Thực tế, đã có nhiều bệnh nhi nhập viện vì các lý do trên. Một vấn đề nữa cũng rất đáng cảnh báo, đó là tình trạng tự ý mua thuốc cho con dùng, nhưng không đúng bệnh khiến tình trạng nặng hơn. Khi trẻ suy hô hấp mới đưa đến viện, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Nhiều trẻ lúc nhập viện đã biến chứng phải thở máy điều trị viêm phổi, viêm tiểu phế quản”, PGS Dũng chia sẻ.

Dấu hiệu của bệnh viêm phổi cần đặc biệt lưu ý

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi trẻ bị viêm phổi, sự trao đổi ô xy ở phổi khó khăn, vì thế cơ thể dễ bị thiếu ô xy. Khi đó, trẻ phản ứng lại bằng cách tăng nhịp thở, nhằm bù đắp lại tình trạng thiếu ô xy. Vì thế, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi trẻ viêm phổi đó là có ho và thở nhanh.

Một dấu hiệu nhận biết khác cũng rất dễ nhận thấy, đó là phụ huynh hãy quan sát nhịp thở của trẻ, bằng cách vén áo và theo dõi sự di động của lồng ngực hoặc bụng. Việc quan sát này có thể thực hiện khi trẻ ngủ, không được không được quan sát lúc trẻ đang quấy khóc.

Việc theo dõi nhịp thở và lồng ngực của trẻ khi ngủ có thể nhận biết trẻ có bị viêm phổi hay không. Ảnh minh họa.

Nếu trẻ có thở nhanh thì sự di động của bụng, lồng ngực đó nhanh hơn những ngày trẻ bình thường. Các gia đình không có dụng cụ y tế, có thể lấy đồng hồ với kim giây, sau đó để đồng hồ gần bụng hoặc ngực của trẻ và đếm nhịp thở trong vòng 1 phút. Nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu thở từ 60 lần trong 1 phút trở lên; trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, nếu thở từ 50 lần trong 1 phút trở lên; trẻ từ 1-5 tuổi, nếu thở từ 40 lần trong 1 phút trở lên… là thở nhanh và cảnh báo dấu hiệu viêm phổi. 

Khi quan sát thở, nếu phát hiện mỗi nhịp thở trẻ có hiện tượng rút lõm lồng ngực, khi đó cần đưa trẻ tới viện vì đó là dấu hiệu điển hình của viêm phổi đã nặng. Lưu ý, rút quan sát trẻ có rút lõm lồng ngực hay không cũng phải thực hiện khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ mới có giá trị.

Phòng viêm phổi ở trẻ mùa hè không khó

Để phòng bệnh viêm phổi nói riêng, viêm đường hô hấp nói chung, trước hết phải chăm sóc tốt cho trẻ về dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Vệ sinh môi trường nơi ở, trường lớp sạch sẽ để hạn chế nguy cơ lây bệnh. Cho trẻ uống đủ nước, có thể dùng nước trái cây để tăng sức đề kháng.

Khi dùng điều hòa, cần vệ sinh điều hòa trước khi dùng, chỉnh nhiệt độ thích hợp với khoảng 27-29 độ C. Không cho trẻ tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi đột ngột. Khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy tắt điều hòa, mở cửa trước đó ít nhất 10 phút, cho con đứng chơi gần đó để quen với luồng không khí nóng bên ngoài.

mẹ

Khi nhiệt độ ngoài trời giảm, nên cho trẻ đến nơi thoáng mát, nhiều cây xanh để trẻ hít thở không khí tự nhiên. Ảnh minh họa.

Ngược lại, khi con đi ở ngoài về, tuyệt đối không cho vào phòng điều hòa ngay. Cần lau khô mồ hôi, ngồi quạt nhẹ ở ngoài khoảng 10 phút ở nhiệt độ bình thường, điều này nhằm mục đích tránh bị lạnh đột ngột.

Không nên sử dụng điều hòa 24/24 bởi có thể không tốt cho sức khỏe của trẻ nói chung và hệ hô hấp của trẻ nói riêng. Mỗi ngày cha mẹ cần tắt điều hòa, mở cửa để lưu chuyển không khí trong phòng.

Thời điểm buổi sáng, hoặc buổi chiều khi nhiệt độ hạ thấp có thể cho trẻ đến nơi thoáng mát, nhiều cây xanh để trẻ hít thở không khí tự nhiên. “Việc cho trẻ hít thở với thiên nhiên trong lành là cách giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất”, bác sĩ Dũng chia sẻ.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments