Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề cập nhật thông tin về tác hại của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) do Vụ Pháp chế- Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 8/4
Theo Ths.Bs. Vũ Văn Thành – Hội Phổi Việt Nam, “Nicotine sử dụng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em. Khi sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch; bệnh phổi, tổn thương phổi; hệ hô hấp bị ảnh hưởng; mắc ung thư; ảnh hưởng đến các bệnh ngoài hô hấp và phải hứng chịu tác hại của phơi nhiễm thuốc lá thụ động”.
Đặc biệt, theo chuyên gia, nếu mắc COVID-19 mà lại bị tổn thương phổi thì rất đáng lo ngại. Hầu hết, những người bị tổn thương phổi, mắc các bệnh lý về phổi đều có độ tuổi trung bình là 24 tuổi. Điều này rất đáng lo ngại vì của thuốc lá đã tiếp cận và thực sự gây đến sức khoẻ của giới trẻ.
Gia tăng học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử
ThS. BS. Vũ Văn Thành cho hay, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tác động rất lớn đến sức khoẻ con người, đặc biệt là giới trẻ.
Về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hoá học khác, đựng trong ống, bình bắt mắt dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói để người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và các hoá chất khác
Theo đó, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày một tăng, nhất là trong học sinh cấp 2, học sinh trung học phổ thông. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, có tới 2,6% học sinh từ 13-17 tuổi hút thuốc lá điện tử.
Riêng tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8-12 là 8,35%; lớp 10-12 là 12,6%; trong đó nữ là 4,8%, nam là 12,4%.
Thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống
“Sản phẩm này mới chỉ là nhập lậu mà tỷ lệ người hút thuốc lá đã tăng lên, đặc biệt là ở phụ nữ. Nếu chúng ta cho sản phẩm này vào thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ tăng trở lại, phá bỏ nỗ lực 10 năm mới giảm được 2,3% tỷ lệ sử dụng thuốc lá”- Ths Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm.
Theo bà Trần Thị Trang, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường, đều có nguy cơ gây bệnh tật, tử vong. Chúng ta không nên cho thêm bất cứ sản phẩm nào có nguy cơ trong khi chưa lường hết được nguy cơ, mà chỉ tập trung vào phòng chống tác hại của thuốc lá truyền thống. Dẫn chứng tại Mỹ, từ việc cho phép lưu hành đến việc ban hành lệnh cấm sử dụng thuốc lá điện tử có hương vị gần đây đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử từ 27,5% xuống 19%.
Liên quan đến vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam làm rõ thêm thông tin cho thấy, ở Mỹ đến cuối tháng 2/2020 đã có 2.807 trường hợp hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử nhập viện và đã được báo cáo cho CDC của 50 tiểu bang; 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 tiểu bang; 15% số ca nhập viện dưới 18 tuổi; 37% từ 18-24 tuổi.
Nhấn mạnh thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống cao hơn gấp 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử, và nguy cơ sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống, ThS. BS Nguyễn Tuấn Lâm khuyến cáo nên duy trì các quy định luật pháp hiện tại về không cho phép nhận khẩu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử ở Việt Nam để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Cuộc chiến dai dẳng…
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, phòng chống tác hại của thuốc lá là cuộc đấu tranh dai dẳng, trường kỳ giữa lợi ích sức khỏe với các công ty đa quốc gia, công ty sản xuất thuốc lá. Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, thị phần thuốc lá truyền thống suy giảm do có những quyết sách quyết liệt phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện thuốc lá thế hệ mới và như thế lại tiếp tục một cuộc vận động dai dẳng với các công ty sản xuất thuốc lá.
Mới đây, thông tin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có văn bản xác nhận một sản phẩm thuốc lá làm nóng là sản phẩm giảm phơi nhiễm đã dẫn đến hiểu sai lệch, hiểu lầm.
“Nhiều người không hiểu bản chất phán quyết của FDA, làm thông tin sai lệch. Có công ty cũng cố tình làm sai lệch phán quyết của FDA. Đây không phải là sản phẩm giảm hại, không phải sản phẩm an toàn hơn, không phải sản phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không thể thay thế nghiện một cái này bằng nghiện một cách khác”- TS Quang nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về văn bản mới này của FDA, ông Đào Thế Sơn, Đại học Thương Mại cho biết, sản phẩm thuốc làm nóng này chỉ được FDA phán quyết là sản phẩm điều chỉnh phơi nhiễm, chứ không phải sản phẩm giảm thiểu rủi ro. Bản thân công ty không đưa ra được bằng chứng về việc loại thuốc lá thế hệ mới do công ty sản xuất giúp cai nghiện, nhưng công ty vẫn truyền thông như là sản phẩm có thể giúp cai nghiện.
Theo ông Sơn, trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá làm nóng không đáp ứng tiêu chuẩn giảm nguy cơ bệnh tật đối với sức khoẻ của người sử dụng, không chứng minh được sản phẩm có lợi cho sức khoẻ cộng đồng và an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Dựa trên các bằng chứng hiện tại, nhiều quốc gia tiếp tục cấm hoặc hạn chế lưu hành sản phẩm thuốc lá làm nóng. Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại, nicotine là chất gây nghiện có trong thuốc lá.
ThS. Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá cũng nhấn mạnh về thông tin sai lệch trong phán quyết của FDA. Thực tế, Bộ Y tế của Italia từ chối đơn xin phê duyệt loại thuốc lá thế hệ mới này là sản phẩm “giảm phơi nhiễm” và “sản phẩm giảm rủi ro” trên cơ sở trên cơ sở không đủ bằng chứng xác thực.
Cục Quản lý Sản phẩm Trị liệu của Bộ Y tế Úc (TGA) cũng quy định các sản phẩm có chứa nicotine mới bị cấm bởi nicotine được xếp loại là loại “chất độc nguy hiểm” vào tháng 8/2020. TGA cũng nhấn mạnh về việc thiếu bằng chứng thuyết phục trong việc mang lại sức khỏe cho cộng đồng nếu cho phép sử dụng thuốc lá làm nóng.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho biết một số công ty thuốc lá điện tử đang cung cấp học bổng cho sinh viên liên quan đến việc yêu cầu sinh viên nhận học bổng viết bài luận về các chủ đề như liệu việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích tiềm năng hay không; Các công ty thuốc lá điện tử chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ; Các công ty thuốc lá điện tử thường xuyên tài trợ cho các lễ hội và sự kiện âm nhạc; Sử dụng hương vị để thu hút giới trẻ…