Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹCha mẹ làm gì khi anh chị em trong nhà xung đột?

Cha mẹ làm gì khi anh chị em trong nhà xung đột?


Matt Buttery, giám đốc chương trình Nuôi dạy con cái tích cực (Anh) cho biết: “Đối với những đứa trẻ, một chút cạnh tranh sẽ tốt cho sự phát triển. Nó giúp tạo động lực cố gắng trong những môi trường như ở trường học và trong thể thao”.

Tuy nhiên, vẫn có những giới hạn và sẽ tốt hơn cho mọi người nếu anh chị em không cạnh tranh, tranh giành đồ chơi, cãi vã hàng ngày. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc anh chị em xung đột, ganh đua quá mức nếu không được xử lý sớm có thể dẫn đến các vấn đề về học tập, xã hội và sức khỏe tâm thần.

Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ cũng sẽ khó chịu nếu có xung đột giữa con cái và điều đó có thể làm gián đoạn nhịp sống bình thường trong gia đình. Thậm chí, nếu cha mẹ không giải quyết việc tranh cãi của các con, trẻ sẽ nảy sinh tính hiếu thắng với chính người trong gia đình.

Tiến sĩ Kalanit Ben-Ari, chuyên gia trị liệu gia đình cho biết, đôi khi lời khen hay phần thưởng chính là nguồn gốc dẫn đến việc anh chị em xung đột, đấu đá lẫn nhau.

Ngoài ra, thứ tự sinh cũng có thể là một phần nguyên do. “Trẻ có thể cảm thấy vị trí của mình trong mắt cha mẹ đang dần biến mất khi có em, điều này sẽ tạo ra nhiều căng thẳng”, ông nói.

Để giải quyết vấn đề này không hề dễ, nhất là ở những gia đình có con trong độ tuổi dậy thì với những khủng hoảng tâm sinh lý. Sau đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp anh chị em trong nhà hòa hợp hơn.

Đặt quy tắc gia đình rõ ràng

Buttery khuyên: “Bước đầu là đặt ra một vài quy tắc gia đình đơn giản khi chơi với nhau, như thay phiên nhau chơi, cư xử nhẹ nhàng và dùng những lời lẽ tử tế. Các quy tắc cũng cần phù hợp với lứa tuổi.”

Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu được mình nên hành xử thế nào. “Hãy dành thời gian để thảo luận những quy tắc này với con bạn. Bạn có thể muốn sử dụng các quy tắc giống như ở trường”, Buttery cho biết thêm.

Khích lệ tích cực

Khi trẻ lớn lên, chúng bắt đầu phát triển các kỹ năng xã hội và hiểu được sự hợp tác. Buttery chia sẻ: “Khi thấy con đang chơi với nhau, hãy khích lệ, khen ngợi và để ý tới con thay vì tập trung quá nhiều vào các hành vi xấu và bảo chúng đừng có đánh nhau.”

Tương tự như vậy, các hoạt động như chơi cờ (boardgame) hay chơi bài là những cách tuyệt vời để dạy cách hợp tác. Con bạn sẽ học được rất nhiều điều từ cách bạn cư xử và tương tác với người khác.

Ảnh minh họa

Khen thưởng nỗ lực

Phần thưởng có thể là một động lực tốt cho việc học ở trường hoặc các hoạt động ngoại khóa, nhưng đừng tập trung quá nhiều vào những thứ như kết quả thi hay điểm kiểm tra.

Ben-Ari thường nói với con mình rằng: “Điểm số không nói lên bất cứ điều gì về con người con. Phần thưởng là dành cho những thứ như sự nỗ lực, kiên nhẫn, hay trở thành một người bạn tốt và tử tế, hơn là đích đến cuối cùng của sự thành công”.

Huấn luyện thay vì phán xét

Khi nói đến cách xử lý việc anh chị em xung đột, Ben-Ari nói rằng tốt hơn là nên nghĩ đến việc huấn luyện thay vì phán xét trẻ.

Vì vậy, cha mẹ không đứng về phía nào hết, mà chỉ phản ánh những gì mình thấy. Ví dụ: “Mẹ thấy hai con muốn chơi cùng một món đồ chơi. Mẹ tin các con sẽ tìm được cách giải quyết”

Tuy nhiên, trong trường hợp xô xát, luôn phải đặt an toàn lên hàng đầu. Có thể nói rằng: “Mẹ thấy hai anh em ở cạnh nhau bây giờ rất nguy hiểm. Hãy về phòng của mình và chúng ta sẽ nói chuyện này sau”.

Ảnh minh họa

Đừng tập trung vào sự công bằng

“Điều đó không công bằng!” là điều trẻ em thường than vãn, nhưng cha mẹ không phải lúc nào cũng cần chia đều sự chú ý của mình.

Các chuyên gia cho rằng cha mẹ nên nói “Kể chuyện xong cho anh rồi mẹ sẽ đến làm bài cùng con” thay vì quy định rằng mỗi đứa trẻ sẽ chỉ có một khoảng thời gian như nhau. Bởi vì có thể một đứa chỉ cần năm phút, nhưng đứa kia lại cần tới nửa giờ. Hoặc có thể một đứa đang gặp khó khăn và cần thêm thời gian.

Không thiên vị

Dù nhiều bậc phụ huynh không chịu thừa nhận nhưng thực tế là luôn có một đứa trẻ được yêu chiều hơn. Quan trọng là cha mẹ phải dành thời gian 1 cách chất lượng với mỗi đứa trẻ.

“Con bạn không muốn biết là bạn yêu nó hơn hay không, chúng muốn hiểu được sự độc nhất của chúng trong mắt bạn,” Ben-Ari giải thích. Hay nói cách khác: “Không ai có thể thay thế vị trí của con trong lòng mẹ”.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments