Các chuyên gia cho biết, cách cha mẹ nói chuyện và đối xử với con mình sẽ ảnh hưởng tới sự tự tin, sức mạnh tinh thần của trẻ. Điều này tác động lớn tới tương lai và mức độ thành công của con cái. Vì thế, trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ cần tránh một số sai lầm.
1. Không chiều chuộng con cái quá mức
Khi cha mẹ chiều chuộng con cái quá mức, trẻ sẽ khó phát triển những tính cách như kiên trì, khả năng tự phục hồi sau những đau buồn hay căng thẳng.
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ kiên cường thường tự tin đứng dậy sau thất bại, tiếp tục chấp nhận rủi ro nhưng có sự tính toán và chuẩn bị tốt hơn.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải đối xử quá khắc nghiệt với con mình. Hãy đặt ra những kỳ vọng hợp lý, buộc trẻ phải chịu trách nhiệm. Đó cũng là lời khuyên của tác giả sách bán chạy nhất và chuyên gia nuôi dạy con cái Esther Wojcicki.
Esther Wojcicki cho biết, cha mẹ có thể giúp con mình học cách chủ động và tự tạo động lực cho bản thân, bao gồm cả việc giao cho chúng trách nhiệm đối với một số hành động hằng ngày như làm việc nhà hoặc tự chọn hoạt động sau giờ học.
Esther Wojcicki viết: “Cha mẹ càng tin tưởng con mình tự làm mọi việc, chúng sẽ càng được trao quyền nhiều hơn“.
2. Không phạt con sau những thất bại
Học cách tự phục hồi tinh thần sau thất bại một cách lành mạnh rất quan trọng. Theo nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Amy Morin, việc trừng phạt con cái khi chúng mắc sai lầm có thể gửi đi một thông điệp sai, thất bại là một điều đáng xấu hổ chứ không phải thất bại tạm thời mà bản thân có thể học hỏi từ đó.
Thay vào đó, cha mẹ hãy chúng con nhận ra những bài học sau mỗi sai lầm, để trẻ có thể tự tin chinh phục thử thách vào lần sau. Cha mẹ có thể kể về những thất bại của mình và cách bản thân vượt qua như thế nào. Nếu không, cha mẹ có thể mua sách về tấm gương vượt qua thất bại cho con mình đọc.
3. Không bi quan
Cuộc sống không dễ dàng gì, đôi khi thật dễ bi quan. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng, niềm tin và thái độ của bản thân sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của con cái.
Nhà tâm lý giáo dục và chuyên gia nuôi dạy con cái Michele Borba chia sẻ với trang CNBC rằng: “Những đứa trẻ lạc quan coi những trở ngại chỉ là tạm thời“.
Nghiên cứu cho thấy, sự tiêu cực quá mức có thể khiến trẻ em cũng như người lớn dễ bỏ cuộc hơn khi gặp khó khăn, thay vì nỗ lực tìm ra giải pháp.
Nếu con mình gặp chuyện gì đó đau buồn, bạn có thể nói: “Không sao đâu, có mẹ đây rồi“.
4. Không khó chịu khi con đặt nhiều câu hỏi
Một số cha mẹ cảm thấy phiền phức khi con mình liên tục đặt ra nhiều câu hỏi. Nghiên cứu cho thấy trẻ em học được nhiều hơn và ghi nhớ những gì chúng học được khi chúng tích cực tò mò.
“Cha mẹ của những người thành đạt luôn ưu tiên việc con họ học những điều mới mẻ. Họ hiểu được tầm quan trọng của việc khơi dậy trí tò mò nên họ rất coi trọng việc trả lời các thắc mắc của con mình“, tác giả và nhà nghiên cứu bán chạy nhất, tiến sĩ Kumar Mehta chia sẻ.
5. Không phản ứng thái quá
Cha mẹ rất dễ lo lắng cho con cái từ việc trẻ học kém, lười ăn, cãi vã với bạn ở trường…
Theo nhà tâm lý học phát triển Aliza Pressman, cha mẹ cần quan sát xem con mình có bắt chước tâm trạng, hành vi của mình trong cuộc sống hằng ngày không. Điều quan trọng là cha mẹ không cần phải tỏ ra lo lắng quá mức với những gì xảy ra với con mình.
Các nhà khoa học tâm lý cho biết, việc cha mẹ lo lắng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ, có khả năng dẫn đến các tình trạng như trầm cảm, làm mất đi động lực cố gắng và nhiều vấn đề khác.
Tóm lai, quá trình dạy dỗ con cái đòi hỏi cha mẹ phải bỏ nhiều công sức, nếu có thể tránh mắc phải một số sai lầm khi dạy con, quá trình này sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.