Sau nửa năm, Tú quyết định “cầu cứu” bác sĩ và nhận kết quả đốt sống cổ đang dần bị thoái hóa.
Khổ sở vì đau lưng, thoát vị đĩa đệm
Mỗi ngày, Phượng Tú hầu như “dán mắt” vào màn hình máy tính suốt 10 giờ liên tục. Theo lời bác sĩ lý giải, vì xương cổ phải gánh một lực nặng, các dây thần kinh bị chèn ép nên ngày càng yếu hơn, thường xuyên xuất hiện cảm giác tê.
Sau 2 đợt tái khám, tình trạng của Tú tạm ổn, không diễn biến nặng hơn, nhưng cảm giác tê mỏi, đau nhức vẫn luôn âm ỉ.
Đối với Tú, việc đội mũ bảo hiểm quá 30 phút giờ đây như một “cực hình” bởi các cơn tê cổ sẽ xuất hiện ngay lập tức. Bên cạnh đó, mỗi khi quá “sa đà” vào công việc, quên vận động, cơ thể sẽ lại phát tín hiệu cảnh báo bằng những cơn đau nhói.
Chán nản, Tú tìm đến một cơ sở điều trị cơ xương khớp Đông y. Lần bấm huyệt gần nhất tốn ngót nghét của Tú 3 giờ, bởi theo lời kỹ thuật viên, gần như tất cả huyệt đều bị tắc.
“Khi xương khớp bị thoái hóa đồng nghĩa với việc cơ thể không thể trở lại như trước đây. Mình luôn phải nhắc bản thân phải vận động, nghỉ ngơi hợp lý để không làm bệnh nặng thêm”, nhân viên văn phòng 28 tuổi chia sẻ.
Sau hơn một năm làm tự do, hồi tháng 8, Tuyết Mai (24 tuổi, ngụ TP.HCM) quyết định quay trở lại với công việc văn phòng. Chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên, cô phải đi khám vì đau lưng.
Qua lời bác sĩ, Mai nhận ra mình bị đau lưng do thói quen sinh hoạt không đúng. Vì khối lượng công việc khá lớn, cô thường “ôm việc về nhà” làm đến khuya. Cộng với thời gian ngồi liên tục 8-10 giờ mỗi ngày, cột sống của Gen Z này ngày càng rệu rã, đau mỏi.
Thanh Vân (31 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) phải chịu đựng cơn đau tê buốt phần hông suốt thời gian dài.
“Bạn bè liên tục hối thúc tôi đi khám vì lo bị thoát vị đĩa đệm. Tôi thử đăng ký khám và bất ngờ khi bác sĩ báo bị gai đốt sống, đĩa đệm cũng có bất thường. Điều đáng buồn là bệnh của tôi không thể chữa khỏi, chỉ có thể thay đổi cách sinh hoạt để không trở nên tệ hơn”, Vân kể.
Từ ngày biết mình có bệnh, Vân phải bỏ hẳn các bài tập nâng tạ nặng theo lời khuyên của bác sĩ. Thay vào đó, cô tăng cường tập các bài tác động vào vùng cơ lõi để hạn chế tình trạng đau lưng mà vẫn có thể tăng cường sức mạnh cho cơ thể.
Bệnh xương khớp ngày càng trẻ hóa
Tình trạng gia tăng các bệnh lý xương khớp ở người trẻ không chỉ được ghi nhận tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Tại Ấn Độ, các chuyên gia y tế cũng ghi nhận sự gia tăng nhóm người 35-45 tuổi mắc các bệnh thoái hóa khớp. Điều đáng nói, độ tuổi trung bình mắc bệnh này từ trước đến nay thường ở nhóm 55-65 tuổi.
Theo tiến sĩ Biren Nadkarni, chuyên khoa Phẫu thuật chỉnh hình và thay khớp tại Viện Sitaram Bhartia và Bệnh viện Holy Family (New Delhi, Ấn Độ), số lượng thanh thiếu niên mắc thoái hóa khớp giai đoạn 2 đến khám tăng cao đến mức đáng ngại. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng này là văn hóa làm việc tại nhà.
Theo một khảo sát với 2.000 người của Công ty công nghệ sinh học Alvica Medical, 24% người lao động trong độ tuổi 16-26 cho biết họ phải nghỉ làm vì đau cổ hoặc đau lưng.
Trong khi đó, chỉ có 14% những người trên 59 tuổi làm vậy. Tỷ lệ này ở nhóm người lao động 27-42 tuổi là 18%.
Theo New York Post, các bác sĩ trước đây từng cảnh báo người trẻ về hội chứng “cổ công nghệ” đang ngày một gia tăng trong thời gian gần đây.
Căn bệnh này xảy ra do cột sống bị cong vì nằm, ngồi sai tư thế, cúi đầu nhìn điện thoại trong thời gian dài mỗi ngày.
Theo bác sĩ chỉnh hình Jake Boyle, Giám đốc Bệnh viện Xương khớp Central Health Chiropractic, một số người trẻ bị mọc sừng từ đáy hộp sọ do cúi đầu sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều hàng ngày. Hiện tượng này được ghi nhận lần đầu vào năm 1885, rất hiếm gặp ở nhiều năm trước nhưng dần phổ biến trong 10 năm gần đây.
Trao đổi với Tri Thức – Znews, bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân, trong đó, khoảng 60-70% người dưới 35 tuổi.
Người bệnh ở nhóm tuổi này đến khám ở giai đoạn trung bình – muộn vì tâm lý chủ quan, nghĩ cơn đau chỉ tạm thời. Chỉ khi cơn đau lên đến đỉnh điểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, bệnh nhân mới đến khám.
Thông thường, người dưới 35 tuổi đến khám vì 3 nhóm bệnh chính:
Thứ nhất là nhóm bệnh ở đầu gối, chân, thường gặp ở những người trẻ bị chấn thương thể thao.
Nhóm thứ 2 phổ biến không kém là các bệnh cổ vai gáy, đau lưng dẫn đến căng cơ cột sống, thậm chí là thoát vị đĩa đệm. Bệnh thường gặp ở các nhân viên văn phòng ngồi làm việc không đúng cách, ngồi lâu nhưng không vận động, giãn cơ.
Nhóm phổ biến thứ ba là bệnh ở vùng cổ tay như hội chứng ống cổ tay, viêm bao xơ khớp cổ tay, ngón tay lò xo… Bệnh xuất hiện khi cầm nắm một vật và giữ nguyên ở cùng tư thế quá lâu.
“Khoảng 10-20 năm trước, các bệnh này rất hiếm vì tính chất công việc ít sử dụng tay. Tuy nhiên, hiện nay, mọi người sử dụng điện thoại thường xuyên, các bệnh liên quan đến xương khớp tay vì thế cũng tăng đột biến”, bác sĩ Vũ nhận định.
Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 8/2023 trên tạp chí The Lancet Rheumatology, hiện nay, khoảng 3,5% người từ 30 đến 60 tuổi bị viêm xương khớp.
Căn bệnh này ảnh hưởng tới 7% dân số thế giới, tương đương 500 triệu người. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán đến năm 2050, gần 1 tỷ người sẽ phải chung sống với căn bệnh thoái hóa khớp.