Khái niệm “trí tuệ cảm xúc” (EQ) lần đầu tiên được đề xuất bởi các nhà tâm lý học Peter Salovey và John Mayer. Họ định nghĩa trí tuệ cảm xúc là “khả năng nắm bắt suy nghĩ, cảm xúc của chính mình và người khác, phân biệt các cảm xúc này, từ đó điều hướng suy nghĩ và hành động”
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những khả năng này không phải là bẩm sinh mà bị ảnh hưởng bởi môi trường, đặc biệt là phương pháp giáo dục của cha mẹ.
Những đứa trẻ bị xem thường từ nhỏ sẽ thiếu khả năng đồng cảm
Một chuyên gia tâm lý trẻ em chia sẻ câu chuyện: Có người mẹ yêu cầu rất cao đối với con cái. Một lần, chị đang cùng bạn bè trò chuyện, đứa trẻ hào hứng khoe rằng con vừa đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra Toán. Đây vốn là một điều vui vẻ, nhưng người mẹ lại lạnh lùng đáp: “Nếu con đạt điểm tuyệt đối, thì mẹ e lần này mọi người trong lớp cũng sẽ đạt điểm tuyệt đối”. Nụ cười trên mặt đứa trẻ đột nhiên dừng lại, nó như nhận ra lời nói của mình có gì đó không đúng.
Sau này, người mẹ than thở rằng không phải mình không quan tâm đến cảm xúc của con mà là khi còn nhỏ, chính chị cũng bị cha mẹ chê bao, gọi là “não lợn” nếu không trả lời được câu hỏi. Mỗi nỗ lực của chị đều bị đánh giá thấp. Những ký ức này như được “lập trình” sẵn, cứ thế đến lượt chị lại thốt ra với con mình.
Trẻ thường xuyên bị đánh, mắng không thể quản lý tốt cảm xúc của mình
Khi trẻ lớn lên, nếu bị “lạm dụng” về thể xác, lời nói, tình cảm… sẽ dẫn đến căng thẳng quá mức. Lúc này, não sản sinh ra các chất hóa học như cortisol, khiến nó nhạy cảm hơn trước các mối đe dọa và sẵn sàng ứng phó. Nếu cha mẹ không quản lý tốt cảm xúc của mình, con cái cũng sẽ áp dụng phương thức đối phó “cảm xúc” theo cách tương tự. Nói trắng ra thì đó chỉ là bản sao hành vi của người lớn.
Nếu con cái không nhận được sự thấu hiểu và tôn trọng từ cha mẹ khi lớn lên thì cuộc sống sau này chúng sẽ khó hiểu và tôn trọng người khác.
Những đứa trẻ luôn bị từ chối sẽ không thể tự tạo động lực cho bản thân
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc chối bỏ con là cách động viên con. Họ thường lịch sự và hay khen ngợi con người khác nhưng khi nói với con mình thì lại rất gay gắt và không có lời nào hay ho để nói. Nhà tâm lý học Claude Steele cho rằng, bị từ chối quá nhiều sẽ mang đến sự lo lắng; quá lo lắng sẽ khiến trẻ khó thể hiện tốt, thậm chí gây nghi ngờ bản thân.
Toàn bộ quá trình cha mẹ nuôi dạy và đồng hành cùng con là trau dồi kỹ năng giao tiếp cho con. Nếu cha mẹ ngại thể hiện tình yêu thương và hiếm khi gần gũi với con thì khả năng giao tiếp của con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi lớn lên, trẻ có xu hướng nhút nhát, bốc đồng, khao khát tình yêu nhưng lại không hiểu rõ về tình yêu. Những đứa trẻ như vậy phải chịu đựng rất nhiều trong các mối quan hệ thân mật và cần phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua chính mình.
Nhiều bậc cha mẹ sẽ thắc mắc tại sao ngay khi đến tuổi thiếu niên, những đứa con vốn “ngoan ngoãn” lại bắt đầu có thái độ “xấu” và chối bỏ chính mình? Thực ra, đó chỉ là vết thương chôn sâu trong lòng đứa trẻ, sự “bất bình” tích tụ, bắt đầu nhức nhối sau khi ý thức tự giác thức tỉnh và muốn tìm lối thoát.
“Tính tôi như vậy rồi, phải chịu thôi”
“Tính khí tôi thế này, tôi còn có thể làm gì nữa đây?” – Nhiều cha mẹ đổ lỗi cho quá khứ, cho tính cách bẩm sinh của mình. Họ tự cho mình là có “trí tuệ cảm xúc thấp” và coi đó là điều đương nhiên, rằng họ không thể làm gì để khỏi tổn thương con mình.
Nhưng quan niệm mặc định rằng “trí tuệ cảm xúc” không thể thay đổi được có đúng không? Có một thuật ngữ trong tâm lý học gọi là “di truyền giữa các thế hệ”, nghĩa là ai cũng ít nhiều đều có tổn thương từ gia đình, và tổn thương này sẽ tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng trên thực tế, việc “di truyền giữa các thế hệ” là điều không thể tránh khỏi và cũng có thể ngăn chặn được.
Luôn bế tắc chính là nguyên nhân thực sự khiến chúng ta không thể giáo dục con cái tốt. Trên thế giới này không có gia đình hoàn hảo và không có ai hoàn toàn không bị tổn thương. Những vấn đề của quá khứ đáng để mọi người đối mặt và suy ngẫm, nhưng không đáng để lặp lại những vấn đề tương tự từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để nuôi dưỡng những đứa trẻ có “trí tuệ cảm xúc cao”, chúng ta nên bắt đầu từ chính cha mẹ Nhà đầu tư người Mỹ Charlie Munger có một lý thuyết rất quan trọng – lý thuyết về tư duy ngược.
Ví dụ, khi nghiên cứu làm thế nào để có được một cuộc sống hạnh phúc, ông bắt đầu từ việc “sống sao cho cuộc đời đau khổ”, tìm ra tất cả những yếu tố cuộc sống gây ra đau khổ, rồi yêu cầu mọi người tránh những yếu tố này để đạt được hạnh phúc.
Vậy làm thế nào để có thể nuôi dạy những đứa trẻ có “trí tuệ cảm xúc cao”? Mọi người hãy áp dụng mô hình tư duy này: Thay vì cố gắng sửa những lời nói, việc làm không phù hợp của trẻ, cũng như không đọc nhiều sách tham khảo về nâng cao trí tuệ cảm xúc, rèn luyện kỹ năng nói, kỹ năng giao tiếp cho trẻ… hãy hiểu rõ nguyên nhân gây ra những điều đó ở trẻ.
Hiện nay, chúng ta biết rằng thái độ của cha mẹ đối với con cái chính là nguyên nhân thực sự khiến trẻ có “trí tuệ cảm xúc thấp”, muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ có “trí tuệ cảm xúc cao” thì phải bắt đầu từ chính mình và thay đổi những cách đối xử không phù hợp này:
1. Đừng bao giờ coi thường con cái một cách cố ý hay vô ý. Ngay từ khi đứa trẻ chào đời, người mà chúng tin tưởng và nương tựa nhất chính là cha mẹ. Cha mẹ luôn dùng những lời đe dọa, bỏ mặc, chế giễu, coi thường, trừng phạt thân thể, v.v. để đối xử với con, điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng xử lý cảm xúc mà còn ảnh hưởng đến bản sắc bản thân của trẻ.
2. Đừng để những mối quan hệ không tốt trong gia đình làm phiền con cái, sự thù địch, coi thường trong gia đình sẽ luôn khơi dậy thần kinh nhạy cảm của trẻ, khiến trẻ vốn thường ở thế “ràng buộc” rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan và đau khổ.
3. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình phải kiểm soát mọi thứ. Chúng ta không bao giờ được coi con cái như phần mở rộng hoặc phụ kiện của chính mình. Xâm phạm quá mức vào cuộc sống của trẻ, mong muốn kiểm soát trẻ đến từng chi tiết, sẽ phá hủy mối quan hệ cha mẹ – con cái hoặc sự độc lập của trẻ.
4. Đừng “không bao giờ lớn lên”. Sự trưởng thành của một người không kết thúc khi người đó trở thành cha mẹ. Nuôi dạy con cái là một cơ hội khác để chúng ta hiểu rõ bản thân và chấp nhận chính mình. Nắm bắt cơ hội này để “làm hòa” với tuổi thơ là bước khởi đầu cho quá trình tự chữa lành của mỗi bậc cha mẹ.