Tôi có một người em họ là con trai, năm nay học lớp 9. Em là kiểu “học sinh cá biệt” điển hình: học kém, hay đi đánh nhau, hút thuốc lá điện tử… Mặc dù cha mẹ em rất nghiêm khắc và khó tính, thậm chí cô chú đã nhiều lần dùng tới đòn roi để dạy dỗ con, nhưng em vẫn không chịu thay đổi.
Những tưởng, em chỉ “nổi loạn” đến thế là cùng thôi, thì tôi biết được một sự thật động trời: em đã quan hệ tình dục với cô bạn gái cùng tuổi, tức cả hai phát sinh quan hệ khi chỉ mới học lớp 9. Thằng bé tự tâm sự với tôi chuyện này, chứ bản thân tôi không bao giờ có thể nghĩ đến tình huống đấy mà hỏi nó.
Bàng hoàng, tôi kể lại với mẹ của em, mong muốn cô sẽ khuyên nhủ và giáo dục giới tính cho con mình một cách cẩn thận, mặc dù tôi biết những hành động nổi loạn của em đã đủ làm cô đau đầu. Nhưng trái với sự lo lắng của tôi là thái độ bình thản của cô. Cô nói: “Nó là con trai thì không sao, con gái mới phải lo”. Tôi hỏi: “Vậy cô không lo cho bạn gái của nó sao?”. Cô đáp: “Có phải con mình đâu mà sợ”.
Nghe đến đây, tất cả sự kính trọng của tôi dành cho cô đổ xuống sông, xuống bể. Tất cả những cảm thông của tôi dành cho cô khi có một đứa con trai ngỗ nghịch trước giờ cũng tan biến. Tôi bỗng hoài nghi, liệu thẳng bé nổi loạn như vậy có phải do chính cha mẹ của nó cũng có những tư tưởng sai lầm hay không?
Tại sao cô chú nổi giận với việc con trai mình hút thuốc mà lại coi chuyện nó quan hệ tình dục ở tuổi 15 là bình thường? Tại sao cô nghĩ nam được phép quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên nhưng nữ thì không? Tại sao cô lại cho con trai mình cái quyền được phá hủy tương lai của một đứa trẻ khác?
Câu chuyện trên khiến tôi nhận ra tư tưởng lạc hậu của một số phụ huynh và sai lầm trong việc giáo dục giới tính cho con cái của họ. Đối với vấn đề tình yêu vị thành niên, phụ huynh thường chỉ lo lắng cho con gái, vì phái nữ sẽ chịu thiệt hơn nếu sự cố ngoài ý muốn xảy ra, ví dụ như mang thai. Các bậc cha mẹ luôn dặn con gái mình không được yêu sớm, không được “vượt rào”, phải biết bảo vệ bản thân… Điều này là hoàn toàn đúng, tuy nhiên không chỉ với con gái mà con trai cũng cần được giáo dục giới tính.
Vậy mà trên thực tế, ít phụ huynh nào quản lý, giáo dục con trai mình về vấn đề này. Cùng lắm, họ chỉ nhắc nhở qua loa: “Làm gì thì làm, nhớ dùng biện pháp bảo vệ”. Vì con trai họ không mang thai, không phải bỏ dở việc học để sinh nở, cũng không gặp nguy hiểm đến sức khỏe nếu phá thai… nên họ cũng chẳng quan tâm.
Con trai họ không bị ảnh hưởng, nhưng lại là người làm ảnh hưởng đến tương lai của con gái nhà người ta. Đáng lẽ, các vị phụ huynh phải dạy con trai mình kiềm chế, tỉnh táo, đừng vì hứng thú nhất thời mà làm ra những hành động đáng tiếc. Nhưng đáng buồn, con họ không phải nạn nhân nên họ không sợ, và để mặc cho con hủy hoại tương lai người khác.
Tôi lại nhớ đến cậu bạn cùng lớp cấp ba với tôi. Năm lớp 12, bạn làm một bạn nữ lớp bên cạnh có thai. Vì ngại người khác bàn tán, lời ra lời vào, nên bạn nữ đó nghỉ học, chọn sinh con thay vì thi đại học. Còn cậu bạn kia thì vẫn đi học bình thường. Cả hai người đều bồng bột, không kiềm chế được bản thân mà mắc sai lầm, nhưng tại sao chỉ tương lai của một người bị ảnh hưởng?
Cũng như trong vấn đề quấy rối tình dục, người ta thường chỉ dạy con gái là phải biết bảo vệ bản thân, không được ăn mặc hở hang, phải về nhà đúng giờ… Hiếm ai dạy con trai là không được phép xúc phạm phái nữ, không được giở trò lưu manh… Bỗng nhiên, phụ nữ trở thành người phải tự chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chính mình.
Bất kể là nam hay nữ thì cũng không nên quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi. Phụ huynh và nhà trường phải giáo dục công bằng cho cả hai giới. Nếu những tư tưởng cổ hủ về quan hệ tình dục không được chấm dứt, nó sẽ tạo nên một xã hội nơi phụ nữ luôn phải chịu thiệt thòi.