Home Làm Cha Mẹ Con trượt trường chuyên!

Con trượt trường chuyên!


1. Là cô gái rắn rỏi, cháu không khóc như các bạn nhưng tôi biết con gái mình chưa bao giờ buồn đến thế. Cốc trà sữa tôi mua, ngày thường con uống cạn chỉ trong vài phút, nay cứ cầm trên tay lắc qua lắc lại mãi. Ở cổng trường, nhiều bà mẹ đang ôm con vỗ về nhưng cũng có ông bố gằn giọng trách mắng, rằng đầu tư học hành như thế mà giờ thi như thế này, thế khác…


Bức ảnh gây chú ý trên mạng xã hội (Ảnh: MXH)

Trên đường về cả hai cha con không nói gì. Cảm giác tiếc nuối nhiều hơn thất vọng. Đã thế, điện thoại tôi liên tục đổ chuông. Người thân, bạn bè gọi tới tấp hỏi thăm xem cháu làm bài thế nào? Để giữ yên tĩnh cho cháu tôi không nghe máy mà chỉ nhắn lại một dòng tin cụt lủn: “cũng tàm tạm”.

Một tuần sau biết kết quả, cháu thiếu 2 điểm, cũng chính là 2/4 điểm tối đa của câu nghị luận xã hội bị lạc đề. Dù gần như biết trước kết quả nhưng tôi biết, cô gái 15 tuổi vẫn hy vọng vào một điều kỳ diệu. Cuối cùng thì điều kỳ diệu đã không đến, cánh cửa trường chuyên khép lại. Không khí gia đình từ ngày thi xong đến ngày biết điểm trùng hẳn xuống.

Vợ tôi, người đặt kỳ vọng nhiều nhất vào con gái, ngạc nhiên thay lại là người bình tĩnh nhất. Cô ấy luôn khuyên tôi phải nhẹ nhàng, gần gũi với con hơn. “Mình buồn một, con buồn mười vì đó là ước mơ lớn nhất của con”, vợ tôi dặn dò.

Buổi tối hôm biết điểm, sau bữa cơm, tôi xóa tan không khí bằng câu chuyện tiếu lâm theo phong cách “nói dối ngọt ngào”. Chuyện kể rằng, cách đây 29 năm, có một chàng trai nhà quê là bố cũng lên thành phố thi trường chuyên. Lúc đó, cả xã chỉ mình bố dám “cả gan” gánh ước mơ lên tỉnh.

Kết quả bố thiếu có… 8 điểm nếu không đã đỗ chuyên Văn. Con thiếu có 2 điểm, như thế vẫn là hơn cha, nhà ta vẫn có phúc. Cả nhà được một trận cười rôm rả như trút hết gánh nặng, áp lực thi cử. Phía trước, cuộc chiến vào lớp mười lại bắt đầu với một ngôi trường mới không phải trường chuyên.

Ngay sau khi biết con thi trượt, tôi chủ động “khoe” kết quả với bạn bè. Đó cũng là cách để giảm áp lực cho cả những người thân, bạn bè yêu quý gia đình mình. Ai cũng tiếc nuối và động viên cháu cố gắng tiếp tục cho kỳ thi sắp tới.

2. Mới đây nhất, bức ảnh một người mẹ đội nắng chờ đón con thi vào cấp 3 kèm tấm biển ghi dòng chữ: “Baby! Mình đã chiến đấu hết sức rồi. Dù kết quả như nào mẹ vẫn luôn bên con. Yêu! Yêu!” đã “đốn tim” cộng đồng mạng. Tôi không có mặt để chứng kiến phút giây con trai của chị gặp mẹ khi ra khỏi phòng thi nhưng chắc chắn rằng, đứa trẻ nào cũng sẽ hạnh phúc khi có những người mẹ như thế.

Trước đó, năm 2021, một người mẹ ở Hà Nội khi biết kết quả con trai trượt lớp 10 công lập đã lên mạng xã hội viết tâm thư. Bức thư của chị nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng và làm thay đổi quan niệm học hành, thi cử của không ít phụ huynh.

Trong thư, chị nói với con trai rằng, chính chị từng thi trượt đại học năm đầu và phải trở thành học sinh lớp… 13. Nhưng bằng nỗ lực, quyết tâm lớn, mẹ của cậu đã thi đỗ Đại học Y Hà Nội, một ngôi trường danh giá.

Từ câu chuyện của mình, chị khuyên con trai: “Trượt lớp 10 không phải là mất tất cả, còn kỳ thi vào đại học, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… đang chờ con ở phía trước. Thay vì tiếc nuối, ấm ức, mắng bản thân, con hãy đi học tiếng Anh, hội họa, đàn hát, vui chơi với đám bạn… Thay vì khóc ướt đầm cả gối, đấm tường chan chát sưng vù cả tay, hãy xuống dưới bếp, làm một món ăn thật ngon cho gia đình.

 

Thay vì lao đầu như những con thiêu thân vào máy tính, hãy học một cuốn sách, như cuốn về cuộc sống chẳng hạn. Điều đó sẽ làm con quên đi thất bại và mục tiêu tươi sáng hơn.

Nếu con vẫn cảm thấy xấu hổ và kém cỏi so với bạn bè thì hãy cố gắng “phục thù” bằng cách lấy điểm số kỳ thi vào đại học năm 2025 của mình để chứng minh rằng con có thực lực”.


Bức tâm thư của người mẹ có con thi trượt lớp 10 công lập nhận được nhiều tình cảm của cộng đồng mạng

Điều phấn khởi là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ông bố, bà mẹ như thế. Họ không xem con thi trượt là thất bại mà chỉ là thử thách đầu đời. Bên cạnh con, giúp con vượt qua thử thách để đứng dậy mạnh mẽ hơn chính là cách mà nhiều phụ huynh đang làm.

3. Cách đây chừng 10 năm, tôi chứng kiến một câu chuyện khuyến học có một không hai. Đó là việc ông tộc trưởng một dòng họ đến nhà trao quà cho một cháu vừa thi trượt trường chuyên của tỉnh trong sự ngỡ ngàng của gia đình cháu.

Theo ông, việc chàng trai thi chuyên Toán mà chỉ thiếu có 0,5 điểm với họ hàng, làng mạc ở một xã các xa tỉnh lỵ đến 60 cây số là một thành tích đáng khích lệ. Thí sinh thi trượt khi đó bẽn lẽn nhận quà còn ông tộc trưởng thì oang oang: “học tài thi phận, cháu chỉ thiếu 0,5 điểm nghĩa là đã chiến thắng chính mình, chỉ chưa may mắn thôi. Cả chi họ này, trước đến giờ thử hỏi đã ai thi chuyên mà thi đạt đến ngưỡng điểm ấy chưa? Gia đình cứ vui vẻ lên, đời còn dài, cháu nó còn nhiều cơ hội ở phía trước”.

Vừa nói, ông vừa lý giải ý nghĩa sâu xa của khuyến học là phải động viên, khích lệ, truyền động lực để con em giữ được niềm tin, ước mơ, khát vọng để tiếp tục con đường học hành, thi cử chứ không chỉ căn cứ vào thành tích rồi trao thưởng.

Quả thật không phải ai cũng làm khuyến học “gàn” và lạ như ông tộc trưởng nọ mười năm trước mà tôi gặp. Chỉ đến khi có con thi trượt, tôi mới cảm nhận hết được ứng xử vô cùng nhân văn của ông. Chàng trai năm xưa tôi gặp giờ đã thành kỹ sư, làm việc cho một tập đoàn lớn của nước ngoài. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cậu vẫn xem như đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời học sinh.

Áp lực mới tạo ra kim cương nhưng giải phóng áp lực có thể tạo nên những giá trị bằng vàng. Với một đứa trẻ đang chập chững bước vào đời, thi trượt sẽ trở thành nỗi thất vọng lớn, có thể khiến các em mất niềm tin vào chính mình nếu phụ huynh không thấu hiểu và chia sẻ.

Trước kỳ thi, không nên tạo áp lực, sau kỳ thi, nếu kết quả không đạt, cũng không chì chiết các con. Tuyệt đối không so sánh con mình với các bạn cùng lớp hay con cái nhà khác. Điều này rất dễ khiến các em tự ái dẫn đến những hành động dại dột.

Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nỗi buồn sẽ qua nếu chúng ta biết xoa dịu và biến nó thành động lực cho những mục tiêu ở phía trước.



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Exit mobile version