Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
HomeLàm Cha MẹĐang trong kỳ kinh nguyệt có được hiến máu?

Đang trong kỳ kinh nguyệt có được hiến máu?


Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt có nên hiến máu không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Phương Nga, Phú Thọ)

Trả lời

Máu là chế phẩm vô cùng đặc biệt, hiện tại vẫn chưa có gì có thể thay thế được máu. Toàn bộ lượng máu được sử dụng trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế đều từ nguồn hiến máu tình nguyện.



Do vậy, phong trào hiến máu tình nguyện có một ý nghĩa rất quan trọng, quyết định số lượng máu trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân. Đây cũng là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, thể hiện tình cảm, sự đùm bọc của con người với con người.

Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã được đông đảo người dân biết đến và tham gia tích cực, nhất là những người trẻ. Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng máu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân thì lượng máu được hiến vẫn còn thiếu. Đặc biệt, vào các dịp như tết Nguyên đán, kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên thì tình trạng thiếu lượng máu hiến càng nghiêm trọng.

Để tham gia hiến máu, người hiến cần đáp ứng những điều kiện: độ tuổi từ 18-60, sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lý và bệnh lây truyền qua đường máu, cân nặng từ 42 kg trở lên với nữ và 45 kg trở lên đối với nam.

Tại thời điểm hiến máu, qua khám lâm sàng, người hiến hoàn toàn tỉnh táo, huyết áp bình thường, da dẻ hồng hào, thể trạng tốt, lượng huyết sắc tố trên 120g/L, xét nghiệm viêm gan B âm tính.

Đối với phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt không nên tham gia hiến máu tình nguyện vì sẽ có nguy cơ thiếu máu trong quá trình kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu có chu kỳ kinh nguyệt đều, ổn định và xét nghiệm huyết sắc tố đạt yêu cầu trên 120g/L, thì vẫn có thể tham gia hiến máu.


Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tình cảm, sự đùm bọc của con người với con người. (Ảnh minh họa)

Nếu người hiến máu đảm bảo đầy đủ các điều kiện khi tham gia hiến máu tình nguyện thì việc hiến máu không hề có hại cho sức khỏe.

Không những thế, theo một vài nghiên cứu, hiến máu còn có ích cho sức khỏe của người hiến, giúp đào thải lượng sắt dư thừa. Người hiến máu cũng được khám, tư vấn sức khỏe, làm các xét nghiệm liên quan đến huyết sắc tố, viêm gan B trước khi hiến; được trả kết quả xét nghiệm nhóm máu, viêm gan C, HIV, giang mai thông qua tin nhắn đến số điện thoại sau khi hiến một vài ngày; được tôn vinh, biểu dương theo chế độ…

Người tham gia hiến máu tình nguyện cần lưu ý những điều sau để có sức khỏe tốt và yên tâm hơn trong mỗi lần hiến máu:

– Đêm trước khi hiến máu, không nên thức quá khuya, cần ngủ ít nhất 6 tiếng.

– Nên ăn nhẹ, không ăn các đồ ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, không uống rượu, bia.

– Uống nhiều nước.

– Chuẩn bị tâm lý thoải mái, mang theo giấy tờ tùy thân.

– Khai báo trung thực về thông tin, tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cùng với đó, sau khi tham gia hiến máu tình nguyện, trong 3 ngày đầu tiên, người hiến nên nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, không thức khuya, dậy quá sớm, không hoạt động quá gắng sức và không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.

BS LÊ NGỌC TUY, Phó khoa Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ



Theo Tạp chí Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments