Trả lời
Bộ Y tế
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox hay mpox) không phải là bệnh mới, được ghi nhận lần đầu vào năm 1958 trên đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Do đó, chúng có tên là bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Trong hầu hết trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, với một số người, khi nhiễm đậu mùa khỉ có thể gây ra các biến chứng hoặc thậm chí không qua khỏi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tỷ lệ không qua khỏi của bệnh đậu mùa khỉ khoảng 1-10%. Tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy theo tình trạng miễn dịch của từng bệnh nhân.
Để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế hướng dẫn, khuyến cáo người dân nhận biết các triệu chứng nghi ngờ như sau:
Các triệu chứng nghi ngờ:
– Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…).
– Đau đầu, sốt (> 38,5°C)
– Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết)
– Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể
– Mệt mỏi
– Có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.