Giải quyết trước các nhiệm vụ tài chính này sẽ đảm bảo bạn có tiền dôi dư để đầu tư dài hạn và không phải rút tiền ra trong quá trình đó.
Rút tiền sớm khỏi các khoản đầu tư dài hạn sẽ phá vỡ mục tiêu của bạn, có thể buộc bạn phải bán lỗ và chịu thuế đắt đỏ.
2. Xác định rõ thời lượng đầu tư
Mỗi người có mục tiêu đầu tư khác nhau: nghỉ hưu, học phí đại học cho con cái hoặc tích lũy tiền mua nhà.
Bất kể mục tiêu gì, điều quan trọng khi đầu tư dài hạn là xác định rõ thời lượng đầu tư của bạn, hay số năm bạn cần số tiền đó.
Đầu tư dài hạn thường là từ 5 năm trở nên, tuy nhiên không có con số chính xác về thời gian. Bạn phải tự xác định khi nào mình sẽ cần đến số tiền đang đầu tư để lựa chọn được các khoản đầu tư phù hợp để lựa chọn và xác định mức độ rủi ro mình có thể chấp nhận.
Ví dụ, theo nhà hoạch định tài chính Derenda King tại Urban Wealth Management (California, Mỹ), nếu bạn đầu tư vào quỹ đại học cho đứa con mới chào đời, tức là 18 năm nữa mới học đại học, thì bạn có thể chấp nhận mức rủi ro cao hơn. Khi đó, bạn có thể đầu tư tích cực hơn vì danh mục đầu tư của bạn có nhiều thời gian để phục hồi từ biến động thị trường.
3. Chọn một chiến lược và kiên định với nó
Sau khi xác định mục tiêu và khoảng thời gian đầu tư, hãy chọn một chiến lược đầu tư và kiên định với nó. Bạn có thể chia nhỏ khoảng thời gian đầu tư để chọn cách phân bổ tài sản cho phù hợp.
Stacy Francis, chủ tịch và CEO của Francis Financial tại New York, chia đầu tư dài hạn thành 3 nhóm khác nhau, dựa trên thời lượng mục tiêu: từ 5-15 năm, từ 15-30 năm và trên 30 năm.
Theo gợi ý của Francis, với thời lượng 5-15 năm, nên đầu tư bảo thủ nhất với danh mục đầu tư từ 50%-60% cổ phiếu và phần còn lại là trái phiếu.
Với thời lượng trên 30 năm, có thể đầu tư tích cực tới 85%-90% cổ phiếu.
Điều quan trọng nhất là chọn một danh mục tài sản mà bạn cảm thấy thoải mái tự tin để gắn bó với chiến lược của mình, bất kể điều gì xảy ra.
Francis nói: “Khi thị trường giảm, bạn có thể sợ hãi và lo lắng rất nhiều khi thấy danh mục đầu tư của mình giảm giá trị. Nhưng bán và khóa lỗ vào thời điểm đó là lựa chọn tệ nhất”.
4. Hiểu rõ rủi ro đầu tư
Để tránh phản ứng thái quá với sự sụt giảm của thị trường, bạn cần biết những rủi ro có thể xảy ra trước khi rót tiền đầu tư vào các tài sản khác nhau.
Ví dụ, cổ phiếu thường được coi là khoản đầu tư rủi ro hơn trái phiếu. Đó là lý do tại sao Francis đề nghị phân bổ cổ phiếu ít hơn khi thời lượng đầu tư ngắn. Bằng cách này, bạn có thể khóa lợi nhuận khi đến hạn.
Ngay cả trong cùng danh mục cổ phiếu, vẫn có một số khoản đầu tư rủi ro hơn những khoản khác. Ví dụ, cổ phiếu Mỹ được cho là an toàn hơn cổ phiếu của các nước đang phát triển do bất ổn kinh tế và chính trị ở các khu vực đó thường lớn hơn.
Trái phiếu có thể ít rủi ro hơn, nhưng chúng không an toàn 100%. Ví dụ, trái phiếu doanh nghiệp chỉ an toàn theo kết quả kinh doanh của nhà phát hành. Nếu công ty phá sản, họ có thể không trả được nợ và chủ nợ sẽ phải chịu lỗ. Để giảm thiểu rủi ro này, bạn nên chỉ đầu tư vào trái phiếu của các công ty có xếp hạng tín dụng cao.
Tuy nhiên, đánh giá rủi ro không phải lúc nào cũng đơn giản bằng cách nhìn vào xếp hạng tín dụng. Các nhà đầu tư cũng phải xem xét khả năng chịu rủi ro của riêng mình.
“Điều này bao gồm khả năng theo dõi giá trị các khoản đầu tư lên xuống mà không bị mất ngủ” – King nói. Ngay cả các công ty và trái phiếu được xếp hạng cao cũng có thể hoạt động kém hiệu quả tại một số thời điểm.
5. Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Phân tán danh mục đầu tư trên nhiều loại tài sản khác nhau sẽ cho phép bạn bảo vệ tiền và tăng cơ hội có một khoản tài sản tăng giá ở bất kỳ thời điểm nào trong thời lượng đầu tư dài hạn của bạn.
Schulte khuyên bạn không nên có 2 hoặc nhiều khoản đầu tư có mối tương quan cao và di chuyển cùng một hướng. Thay vào đó, các khoản đầu tư nên di chuyển theo các hướng khác nhau. Đó là định nghĩa về đa dạng hóa.
Bạn có thể bắt đầu học cách phân bổ tài sản với cổ phiếu và trái phiếu, tuy nhiên việc đa dạng hoá còn sâu hơn thế. Trong phần cổ phiếu, bạn có thể xem xét các loại đầu tư sau đây:
- Cổ phiếu Large Cap, là cổ phiếu của các công ty thường có tổng vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD.
- Cổ phiếu Mid Cap, là cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường từ 2 tỷ USD đến 10 tỷ USD.
- Cổ phiếu Small Cap, là cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường dưới 2 tỷ USD.
- Cổ phiếu tăng trưởng (Growth stock) là cổ phiếu của các công ty đang trải qua mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận hoặc doanh thu.
- Cổ phiếu giá trị (Value stock) là những cổ phiếu có giá thấp hơn so với mức giá trị thực mà các nhà phân tích (hoặc bạn) xác định, thường được phản ánh qua tỷ lệ giá trên thu nhập hoặc giá trên sổ sách thấp.
Cổ phiếu có thể được phân loại kết hợp giữa các loại trên với quy mô và phong cách đầu tư. Ví dụ như cổ phiếu large-value (cổ phiếu giá trị vốn hoá lớn) hoặc cổ phiếu small-growth (cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá nhỏ).
Nhìn chung, bạn kết hợp càng nhiều loại đầu tư khác nhau thì cơ hội thu được lợi nhuận dài hạn tích cực càng cao.
Đa dạng hóa thông qua Quỹ tương hỗ và Quỹ ETF
Để tăng cường đa dạng hóa, bạn có thể chọn đầu tư vào các quỹ thay vì cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ.
Quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng danh mục đầu tư đa dạng với hàng trăm, hàng nghìn cổ phiếu và trái phiếu riêng lẻ.
Theo Francis, hầu hết các chuyên gia, kể cả tỷ phú Warren Buffett, khuyên mọi người nên đầu tư vào các quỹ chỉ số cung cấp tiếp cận rộng rãi với hàng trăm cổ phiếu của các công ty với chi phí thấp.
6. Lưu ý chi phí đầu tư
Chi phí đầu tư có thể làm giảm lợi nhuận và khiến bạn thua lỗ. Khi đầu tư, bạn thường phải nhớ hai loại phí chính: tỷ lệ chi phí của các quỹ đầu tư và phí quản lý của cố vấn tài chính.
Khi đầu tư vào quỹ tương hỗ và quỹ ETF, bạn phải trả tỷ lệ chi phí (expense ratio) hàng năm, đó là chi phí để vận hành một quỹ mỗi năm. Những chi phí này thường được thể hiện dưới dạng phần trăm tổng tài sản bạn nắm giữ trong một quỹ.
Schulte đề xuất tìm kiếm các khoản đầu tư có tỷ lệ chi phí dưới 0,25%/năm. Một số quỹ cũng có thể có thêm phí giao dịch (còn gọi là phí gia nhập hoặc phí rút vốn, tùy vào thời điểm tính phí là khi bạn mua hay bán), phí rút tiền sớm (nếu bạn bán trước thời hạn quy định) hoặc cả hai.
Nếu bạn đầu tư bằng các quỹ chỉ số chi phí thấp, bạn thường có thể tránh được những loại phí này.
Phí tư vấn tài chính
Nếu bạn được tư vấn về các quyết định tài chính và đầu tư của mình, bạn có thể phải chịu thêm phí. Các cố vấn tài chính thường tính phí quản lý hàng năm, được thể hiện dưới dạng phần trăm giá trị của tài sản mà họ quản lý cho bạn. Thông thường là từ 1% đến 2% một năm.
Cố vấn robot (robo advisor) là lựa chọn rẻ hơn với mức phí chỉ từ 0% đến 0,25% tài sản quản lý cho bạn, nhưng số lượng dịch vụ và lựa chọn đầu tư được cung cấp thường hạn chế hơn.
Tác động lâu dài của phí
Mặc dù các khoản phí này có vẻ nhỏ khi xem xét riêng lẻ, nhưng chúng sẽ cộng dồn rất lớn theo thời gian.
Ví dụ, theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, nếu bạn đầu tư 100.000 USD trong 20 năm. Giả sử lợi tức hàng năm là 4%, mức phí 1%/năm sẽ khiến bạn mất gần 30.000 USD so với mức 0,25%/năm.
Nếu bạn đã có thể giữ khoản tiền đó để tái đầu tư, với cùng mức lợi tức 4%/năm, bạn sẽ kiếm được thêm 12.000 USD, nghĩa là bạn sẽ có hơn nhiều hơn 40.000 USD với các khoản đầu tư chi phí thấp hơn.
7. Thường xuyên đánh giá chiến lược của bạn
Dù cam kết gắn bó với chiến lược đầu tư của mình, bạn vẫn cần kiểm tra định kỳ và điều chỉnh.
Francis và nhóm phân tích của cô xem xét kỹ lưỡng danh mục đầu tư và các tài sản cơ bản của của khách hàng mỗi quý một lần. Bạn cũng có thể làm tương tự với danh mục đầu tư của mình.
Nếu đầu tư thụ động vào các quỹ chỉ số, bạn có thể không cần kiểm tra hàng quý. Tuy nhiên hầu hết các cố vấn khuyên bạn nên kiểm tra ít nhất 1 lần/năm.
Khi kiểm tra danh mục đầu tư, bạn cần đảm bảo việc phân bổ vẫn đúng mục tiêu. Ví dụ, ở thị trường nóng, cổ phiếu có thể nhanh chóng vượt quá phần dự định trong danh mục đầu tư của bạn và cần được cắt giảm. Nếu bạn không cập nhật số cổ phần của mình, bạn có thể sẽ nhận nhiều (hoặc ít) rủi ro hơn so với dự định. Đó là lý do tại sao bạn cần tái cân bằng thường xuyên để đảm bảo gắn bó với chiến lược của mình.
Lời kết
Tóm lại, đầu tư dài hạn là mua và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài, bất kể bất kỳ tin tức nào có thể khiến bạn cố gắng dự đoán thị trường.
Nhà hoạch định tài chính Vid Ponnapalli, chủ sở hữu của Unique Financial Advisors, cho biết: “Tôi không coi 12 tháng hay 24 tháng là đầu tư, đó là giao dịch. Chỉ có một cách để đầu tư thôi, và đó là dài hạn”.
(Theo Forbes)