Trong cuộc sống, không hiếm những tình bạn, tình thân tan vỡ chỉ vì một vài câu nói tưởng vô thưởng vô phạt. Thật ra, khi càng thân thiết, con người lại càng dễ buông lơi sự cẩn trọng trong lời nói, cho rằng “thân rồi thì nói gì cũng được”. Nhưng chính sự chủ quan đó lại là nguyên nhân làm tổn thương nhau sâu sắc.
Người khôn ngoan không vì thân mà vô tư đến mức vô duyên. Họ hiểu rằng, dù quan hệ có khăng khít đến đâu, vẫn cần duy trì sự tôn trọng nhất định trong giao tiếp. Và có 3 điều sau đây là những điều họ luôn tránh nhắc tới, để giữ gìn mối quan hệ bền lâu và hài hòa.
1. Những lời nhận xét về đời sống riêng tư, hôn nhân của người khác

Dù thân thiết đến mức có thể tâm sự chuyện thầm kín, nhưng việc đưa ra nhận xét, góp ý thẳng thừng về chuyện hôn nhân, con cái, hay đời sống cá nhân của bạn bè thường rất dễ gây tổn thương. Bởi vì, mỗi gia đình có hoàn cảnh và cách ứng xử riêng, người ngoài – dù thân – cũng không thể hiểu hết mọi góc khuất.
Những câu như “Chồng cậu không ra gì, bỏ quách đi cho xong”, hay “Nuôi con kiểu đó là hỏng đấy!” tưởng là góp ý chân thành nhưng lại có thể khiến người nghe cảm thấy bị phán xét, xúc phạm hoặc xâm phạm quyền riêng tư.
Người tinh tế sẽ chọn cách lắng nghe nhiều hơn nói, hỗ trợ khi được hỏi, và tuyệt đối không bình phẩm đời sống người khác như người trong cuộc.
2. So sánh, chê bai theo kiểu “tôi tốt hơn”, “gia đình tôi thế này”
Một trong những điều dễ khiến mối quan hệ rạn nứt là thói quen so sánh vô thức: so sự nghiệp, mức sống, con cái, ngoại hình… giữa mình và bạn bè. Ngay cả khi câu nói đó xuất phát từ niềm tự hào hoặc sự vô tư, nó vẫn có thể gieo vào lòng người đối diện cảm giác tự ti, ganh tị hoặc bị coi thường.
Ví dụ: “Con tôi học giỏi lắm, chẳng như con người ta toàn chơi game cả ngày”, hay “Tôi mà là cậu thì không bao giờ chịu cảnh đó đâu”, là những kiểu so sánh dễ gây tổn thương dù được nói trong thân tình.
Người khôn ngoan không “đè” bạn mình bằng thành tích bản thân, cũng không lấy hoàn cảnh của mình làm tiêu chuẩn chung. Họ biết mỗi người có một hành trình riêng và xứng đáng được tôn trọng.
3. Những lời nói mang tính phán xét quá mức hoặc đùa cợt quá trớn

Đôi khi, những câu nói tưởng là “cho vui” như: “Cậu béo lên trông như bà thím rồi đấy”, hay “Gần 40 tuổi đầu mà chưa có chồng, chờ hoài chắc thành bà cô quá!” có thể trở thành mũi dao đâm thẳng vào sự tự ti của người khác.
Dù thân đến đâu, cũng không có quyền đem nỗi đau, điểm yếu của người khác ra làm trò đùa. Sự thân thiết không phải là cái cớ để nói những lời kém duyên, vượt giới hạn và thiếu suy nghĩ.
Một lời đùa có thể khiến cả buổi gặp mặt trở nên gượng gạo, thậm chí khiến người kia ám ảnh suốt một thời gian dài. Người biết điều luôn đặt sự tôn trọng lên trên sự “vui vẻ quá đà”.
Tình bạn, tình thân giống như một loại cây quý – càng chăm bón đúng cách, nó càng bền vững. Sự thân thiết không cho phép ta quên đi giới hạn của sự tôn trọng, mà chính vì thân mới càng cần giữ mực trong cách ứng xử.