Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung thuộc Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: Rối loạn ăn uống (hội chứng pica) là chứng rối loạn ăn uống liên quan việc ăn các vật không được xem là thực phẩm, không chứa giá trị chất dinh dưỡng như cát, giấy, phấn, tóc gỗ…
Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nguyên nhân gây ra hội chứng pica
Hiện nay, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, nhưng có một số yếu tố ảnh hưởng đến hội chứng này:
Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu sắt, kẽm, canxi hoặc một số nguyên tố vi lượng khác có thể gây ra cảm giác thèm ăn.
Suy dinh dưỡng, bị bỏ đói: Việc thiếu hụt thực phẩm bổ dưỡng có thể gây ra cảm giác thèm ăn đất hoặc đất sét. Mặc dù đất/ đất sét không có giá trị dinh dưỡng nhưng có liên kết với sắt trong đường tiêu hóa và làm dịu cơn thèm ăn.
Gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần: Một nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng trẻ em có các vấn đề như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), tâm thần phân liệt và rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có nguy cơ mắc các triệu chứng tiêu hóa cao hơn gấp 3 lần so với trẻ em bình thường.
Thiếu sự quan tâm, căng thẳng: Việc thiếu đi sự quan tâm, những yếu tố căng thẳng trong chăm sóc giáo dục cũng là những tác nhân khiến trẻ ăn những thứ không phải thực phẩm.
Nếu trẻ thường xuyên ăn những thức ăn không phải thực phẩm và tùy thuộc vào loại chất mà trẻ sử dụng, trẻ có thể có một số triệu chứng khác nhau như: buồn nôn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, vấn đề hành vi… Bên cạnh đó những biến chứng xảy ra của vấn đề này như:
- Biến chứng liên quan đến đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, thiếu hụt chất dinh dưỡng (sắt và kẽm là chủ yếu).
- Nhiễm độc chì dẫn đến mất cân bằng trong cơ thể (dẫn đến dị tật thận, tim mạch và thần kinh). Thậm chí, ăn bụi bẩn và cát với phân động vật có thể gây nguy hiểm tính mạng.
- Chấn thương miệng khi trẻ nuốt hoặc ăn phải vật sắc nhọn hoặc cứng.
Cha mẹ có thể tránh những biến chứng này cho trẻ bằng cách chẩn đoán và điều trị kịp thời chứng pica. Trong những trường hợp này, cha mẹ không thể trì hoãn việc đưa trẻ đến bác sĩ.
Điều trị hội chứng pica
Các chuyên gia cho biết không có phương pháp điều trị một chiều hay trực tiếp cho chứng pica vì còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu trẻ em mắc hội chứng pica do mất cân bằng dinh dưỡng, cha mẹ nên cho trẻ uống bổ sung khoáng chất và vitamin. Ngoài ra có thể tham khảo một số phương pháp điều trị như:
Can thiệp tâm lý: Tư vấn, trị liệu hành vi và trị liệu tâm lý có thể được khuyến nghị cho những trẻ mắc chứng pica do rối loạn cảm xúc.
Trị liệu bằng thuốc: Thuốc có thể được kê toa để giảm việc ăn uống bất thường nếu hội chứng pica có liên quan đến khuyết tật trí tuệ hoặc phát triển ở trẻ.
Can thiệp hành vi: Nếu chứng pica có liên quan đến các vấn đề về hành vi, bác sĩ có thể đề nghị tư vấn từ nhà tâm lý học. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ hữu ích hơn đối với trẻ khuyết tật trí tuệ.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần: Bỏ bê trẻ cũng là một nguyên nhân gây ra hội chứng này. Do đó, bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ nhiều hơn.